Thế giới đã ghi nhận trên 252,3 triệu ca mắc COVID-19

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 11/11 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 252.370.436 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.092.398 ca tử vong. Trên 228,36 triệu bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục, trong khi vẫn còn 18,89 triệu bệnh nhân đang được điều trị.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Đông Nam Á, Lào ghi nhận 945 ca mắc mới, trong đó có 942 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 2 trường hợp tử vong. Như vậy, số ca mắc mới COVID-19 tại nước này đã giảm xuống mức 3 chữ số, ít hơn 195 trường hợp so với ngày trước đó. Tới nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 50.977 ca mắc COVID-19, trong đó có 93 ca tử vong.

Sau thời gian dài phong tỏa do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Chính phủ Lào đã yêu cầu các bộ, ngành xây dựng cụ thể kế hoạch để mở cửa lại đất nước. Thủ tướng Phankham Viphavan cũng cho biết Lào sẽ "mở cửa từng bước, ở những địa phương sẵn sàng chứ không mở cửa toàn bộ", đặc biệt là những điểm du lịch quan trọng với điều kiện đảm bảo công tác phòng ngừa lây nhiễm dịch bệnh như Luang Prabang. Để sớm đưa đất nước thích nghi với trạng thái bình thường mới trong điều kiện đại dịch, Chính phủ Lào đã có Chỉ thị về việc tăng cường công tác tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Malaysia ngày 11/11 ghi nhận thêm 6.243 ca mắc mới và 59 ca tử vong vì dịch bệnh. Như vậy, tính đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Malaysia là 2.522.498 ca, trong đó có 29.486 ca tử vong. Hiện Malaysia đã tiêm ít nhất một mũi vaccine phòng bệnh cho khoảng 78,3% dân số và khoảng 75,6% dân số đã được tiêm phòng đầy đủ. Trong nỗ lực nhằm khôi phục kinh tế sau thời gian gián đoạn vì các biện pháp hạn chế để phòng dịch COVID-19, Hội đồng Cố vấn chương trình hồi phục kinh tế cho Chính phủ Malaysia cho biết nước này sẽ mở cửa biên giới để đón du khách nước ngoài muộn nhất là vào ngày 1/1/2022.

Tại Đông Bắc Á, Chính quyền thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 11/11 đã áp đặt các biện pháp hạn chế mới sau khi giới chức y tế địa phương xác nhận 6 ca mắc mới COVID-19 tại các quận trung tâm là Triều Dương và Hải Điện. Theo giới chức thành phố, mọi hoạt động tập trung đông người sẽ được hạn chế nhằm giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh lây lan, đặc biệt là khi trong số các ca mắc mới nói trên có cả những trường hợp đã tham dự các hội nghị tổ chức dưới hình thức trực tiếp.

Chính quyền Bắc Kinh cũng yêu cầu đóng cửa một trung tâm thương mại lớn và một số khu dân cư để thực hiện công tác kiểm dịch COVID-19. Ngày 10/11, Trung Quốc ghi nhận thêm 47 ca mắc mới COVID-19 trong nước và 15 ca nhập cảnh. Như vậy, tổng số ca mắc COVID-19 tại Trung Quốc ghi nhận từ khi dịch bùng phát vào cuối năm 2019 đến nay là 98.001 ca, trong đó có 4.636 ca tử vong. 

Hàn Quốc đã ghi nhận thêm 2.520 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc bệnh tại nước này lên con số 388.351. Đây cũng là lần đầu tiên trong 6 ngày qua, số ca lây nhiễm ghi nhận theo ngày ở nước này vượt quá 2.400 trường hợp. Số ca COVID-19 ghi nhận hằng ngày ở Hàn Quốc đã ở mức 4 con số kể từ ngày 7/7 vừa qua, trong đó bao gồm cả mức thống kê cao kỷ lục là 3.272 trường hợp vào ngày 25/9.

Cũng trong ngày 11/11, số ca tử vong do COVID-19 ở Hàn Quốc đã tăng thêm 21 trường hợp, lên tổng cộng 3.033 ca tử vong. Tỷ lệ tử vong là 0,78%. Trước tình hình này, giới chức chống dịch Hàn Quốc nhận định nước này có thể sẽ không thực hiện kế hoạch nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng chống dịch COVID-19 như đã định.

Tại Trung Đông, Israel ngày 11/11 đã tổ chức một cuộc diễn tập quy mô quốc gia, do đích thân Thủ tướng Naftali Bennett chỉ đạo, nhằm kiểm tra khả năng ứng phó nguy cơ bùng phát làn sóng dịch COVID-19, do sự lây lan của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Israel cũng đã quyết định thông qua đề xuất của Bộ Y tế về việc tiêm vaccine phòng dịch COVID-19 cho trẻ em trong độ tuổi từ 5-11.

Châu Âu đang một lần nữa trở thành điểm nóng dịch COVID-19 của thế giới khi số ca mắc đã tăng trên toàn khu vực do các biện pháp hạn chế được nới lỏng trong mùa hè qua. Hà Lan ngày 11/11 ghi nhận hơn 16.000 ca mắc mới, mức tăng cao nhất kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Số ca mắc mới tăng mạnh đang gây áp lực lên các bệnh viện. Các chuyên gia đã kêu gọi chính phủ áp đặt lệnh phong tỏa một phần nhằm khống chế đà lây lan của virus SARS-CoV-2.

Tại Đông Âu, Romania và Bulgaria đều ghi nhận số ca mắc trong ngày cao nhất. Tỷ lệ mắc bệnh đã tăng hơn gấp 10 lần trong 2 tháng (tính đến cuối tháng 10 vừa qua) dù một số biện pháp hạn chế đã được áp đặt trở lại. Tỷ lệ mắc bệnh hằng ngày ở Anh cũng tăng tới khoảng 70 ca/100.000 người và vẫn duy trì ở mức này trong phần lớn mùa hè. Các nhà khoa học đã cảnh báo rằng một số quốc gia Đông  u có thể phải áp đặt trở lại các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19 lây lan cho đến khi tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh được cải thiện.

Bộ Y tế Ukraine đã đề xuất mở rộng danh sách yêu cầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 bắt buộc, theo đó bổ sung các nhân viên y tế và viên chức cấp thành phố. Trước đó, chính phủ nước này đã áp dụng tiêm phòng bắt buộc đối với giáo viên, nhân viên các cơ quan chính phủ và chính quyền địa phương, nếu không sẽ bị đình chỉ công tác. Kể từ khi dịch bùng phát, tổng số ca nhiễm trên cả nước đến nay là trên 3,16 triệu ca và số ca tử vong trên 74.800 ca.

Nước láng giềng Nga chuẩn bị áp dụng quy định mới chống dịch COVID-19. Ủy ban điều phối cuộc chiến chống COVID-19 của Nga đang làm việc với các bộ ngành liên quan để soạn thảo dự luật quy định việc bắt buộc sử dụng mã QR ở các quán cà phê, phương tiện giao thông và cửa hàng. Dự kiến luật này sẽ có hiệu lực cho tới tháng 6/2022.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Kiev, Ukraine ngày 9/11/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại châu Mỹ, Canada ngày 10/11 ghi nhận thêm 2.576 ca mắc mới COVID-19 và 33 ca tử vong. Người đứng đầu Cơ quan Y tế công cộng của Canada, bà Theresa Tam cho biết số ca nhiễm mới tăng 7% so với mức trung bình của 7 ngày một tuần trước đó. Bà nhấn mạnh mặc dù các ca bệnh đang tăng, nhưng số người phải nhập viện và số ca phải điều trị tại các cơ sở chăm sóc tích cực (ICU) vẫn đang giảm xuống - lần lượt ở mức 6% và 12%.

Giới chức y tế Canada nhận định rằng trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, quốc gia Bắc Mỹ này đang đi đúng hướng mặc dù số ca nhiễm COVID-19 gia tăng và kế hoạch mở cửa trở lại vấp phải một số rào cản.

Liên quan tới vấn đề vaccine, hãng dược phẩm Moderna của Mỹ đã nộp đơn lên Bộ Y tế Nhật Bản xin cấp phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng này làm liều tăng cường. Nếu được chấp thuận, vaccine của hãng Moderna sẽ trở thành vaccine thứ hai được cấp phép sử dụng làm liều tăng cường ở Nhật Bản.

Trong khi đó, Cơ quan Quản lý Dược phẩm của Australia (TGA) công bố hãng AstraZeneca đủ điều kiện để nộp đơn đăng ký tạm thời đối với thuốc điều trị COVID-19 Evusheld lên Cơ quan Đăng ký Dược phẩm của Australia (ARTG).

Theo thông tin từ nhà sản xuất, thuốc Evusheld (AZD7442) được tạo ra bằng cách kết hợp 2 loại kháng thể đơn dòng tixagevimab (AZD8895) và cilgavimab (AZD1061), có nguồn gốc từ các tế bào B được các bệnh nhân COVID-19 mới hồi phục hiến tặng. Loại thuốc này đã hoàn tất thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.

Kết quả cho thấy thuốc có khả năng bảo vệ bệnh nhân khỏi nguy cơ diễn tiến nặng và tử vong lên tới 67% nếu được sử dụng sớm trong vòng 5 ngày và 50% đối với những trường hợp sử dụng thuốc trong vòng 7 ngày sau khi khởi phát bệnh.

Phương Oanh (TTXVN)
Tổng hợp COVID-19 ngày 11/11: Phủ nhanh mũi 1 vaccine cho tất cả các địa phương
Tổng hợp COVID-19 ngày 11/11: Phủ nhanh mũi 1 vaccine cho tất cả các địa phương

Ngày 11/11, dư luận quan tâm đến các thông tin phòng dịch như: Kế hoạch tiêm bổ sung mũi 3 vaccine phòng COVID-19 cho người dân; Việt Nam ghi nhận 8.162 ca nhiễm mới SARS-CoV-2; Hà Nội phát hiện thêm 146 ca F0; TP Hồ Chí Minh chấn chỉnh công tác chăm sóc, quản lý F0 cách ly tại nhà…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN