Trong một báo cáo chung công bố ngày 10/4, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã nhận định vai trò của thương mại trong nền kinh tế toàn cầu đang ở "thời điểm then chốt". Báo cáo nhấn mạnh dù sự hội nhập thương mại ngày càng tăng đã giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng năng suất, giảm giá cả hàng hóa và cải thiện các tiêu chuẩn sống, song thương mại cũng đang khiến nhiều cá nhân và cộng đồng bị "bỏ lại phía sau", đặc biệt tại các nền kinh tế phát triển.
Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế Christine Lagarde tại một sự kiện ở Washington, DC ngày 7/3. Ảnh:AFP/TTXVN |
Những nền kinh tế này đã thất bại trong việc xử lý các cú sốc thương mại như mất việc làm, dù tình trạng này được ghi nhận trong một số lĩnh vực cụ thể là do sự gia tăng trong việc áp dụng các công nghệ hiện đại. Khi đối mặt với các cú sốc thương mại cùng sự thiếu vắng các chính sách và các biện pháp đối phó hợp lý, người dân trở nên ngày càng hoài nghi đối với những lợi ích của một hệ thống thương mại mở, đặc biệt tại các nền kinh tế phát triển.
Bản báo cáo cũng lưu ý tình trạng giảm tốc mạnh trong thương mại toàn cầu những năm gần đây là một dấu hiệu và cũng là một yếu tố khiến tăng trưởng kinh tế thấp. Ngoài ra, xu hướng mở trong thương mại cũng đã chững lại thời gian gần đây trong bối cảnh những hạn chế thương mại ở một số lĩnh vực vẫn còn cao, trong khi các quy định hạn chế mới lại tiếp tục gia tăng kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008.
Do đó, báo cáo hối thúc các nền kinh tế cải thiện mạng lưới an sinh xã hội và các chính sách đối với thị trường lao động, như cung cấp hỗ trợ tìm việc làm và các chương trình đào tạo. IMF, WB và WTO cũng kêu gọi thúc đẩy hội nhập thương mại bằng cách cắt giảm các quy định hạn chế đối với thương mại nông nghiệp, cải cách dịch vụ và thương mại số, nâng cấp các thỏa thuận thương mại song phương và khu vực, cũng như giảm thiểu các chi phí điều chỉnh thương mại. Ngoài ra, bản báo cáo đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của WTO trong hệ thống thương mại toàn cầu, lập luận rằng vai trò giải quyết tranh chấp của tổ chức này đã chứng minh là một công cụ quyền lực để thực thi các quy tắc thương mại.