Theo thông báo của IAEA, các thanh sát viên của cơ quan này đang tiếp tục công tác xác minh và giám sát tại Iran, trong đó nhóm đã đến Natanz trong ngày 14/4. Cơ quan này cũng khẳng định sẽ tiếp tục báo cáo về những diễn biến liên quan chương trình hạt nhân Iran lên Hội đồng thống đốc IAEA, gồm đại diện của 35 quốc gia. Tuy nhiên, thông báo của IAEA không đề cập đến mức độ hư hại tại nhà máy Natanz sau vụ nổ mới đây.
Trước đó, ngày 11/4, một vụ nổ nhỏ xảy ra tại nhà máy hạt nhân Natanz khiến mạng lưới cấp điện cho nhà máy bị hư hỏng. Ngày 14/4, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cáo buộc Israel đứng sau vụ việc và gọi đây là hành động khủng bố hạt nhân nhằm cản trở "công nghệ hòa bình và hợp pháp" mà Iran đang thực hiện dưới sự giám sát của IAEA. Dù Israel chưa đưa ra phản hồi chính thức về việc có liên quan vụ việc hay không nhưng một số hãng truyền thông tại quốc gia này đưa tin đây là một chiến dịch do cơ quan tình báo Mossad của Israel thực hiện.
Phát biểu tại cuộc họp nội các ngày 14/4, ông Rouhani cho biết việc Iran mới đây tuyên bố nâng mức làm giàu urani lên 60% là động thái "đáp trả đầu tiên" sau sự cố này. Ông Rouhani cũng khẳng định Iran sẽ tiếp tục thực hiện chương trình hạt nhân trong khuôn khổ pháp lý cho phép, đồng thời nhấn mạnh trong mọi trường hợp, IAEA sẽ tiếp tục giám sát hoạt động làm giàu urani của Iran bất kể ở mức độ nào.
Liên quan đến quá trình đàm phán nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran dự kiến diễn ra trong tuần này tại Vienna, Áo, ông Rouhani nói rằng Iran không vội vàng thỏa thuận, với lập trường sẵn sàng và rõ ràng. Theo ông, kết quả đàm phán còn phụ thuộc vào các bên còn lại của thỏa thuận. Ông tái khẳng định lập trường Mỹ phải thực hiện các điều kiện giống với các điều khoản đã được nhất trí trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015, và Iran sẽ lập tức thực hiện nghĩa vụ của mình trong thỏa thuận ngay khi xác minh được rằng các điều kiện đã được đáp ứng.
Trong ngày 15/4, các bên dự kiến tiếp tục thảo luận để tìm cách duy trì thỏa thuận mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), với nội dung chính là thuyết phục Mỹ và Iran trở lại tuân thủ thỏa thuận. JCPOA cho phép Iran làm giàu urani ở mức độ 3,67%, thấp hơn nhiều so với mức 90% có thể tạo ra vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, kể từ khi cựu Tổng thống Donald Trump rút nước Mỹ khỏi thỏa thuận trên và tái áp đặt trừng phạt Iran, Tehran đã dần thu hẹp các cam kết của mình trong thỏa thuận.