Đây được coi là một động thái nhằm giảm thiểu nguy cơ kiệt sức trong lực lượng lao động tại thành phố vốn dĩ nổi tiếng với văn hóa làm việc "996".
Dẫn quy định được chính quyền thành phố ban hành vào tháng 10, hãng tin Reuters cho biết từ năm sau, đơn vị thuê lao động phải thực hiện nghiêm túc cho nhân viên nghỉ phép có lương theo năm để những người "có khối lượng công việc gây sức ép về tinh thần và thể chất tránh bị kiệt sức".
Mặc dù số ngày nghỉ phép năm tại mỗi công ty là khác nhau song thông thường, người lao động sẽ được nghỉ 5 ngày sau một năm làm việc. Mặc dù việc nghỉ phép được ghi vào luật lao động của Trung Quốc nhưng việc thực hiện thường lỏng lẻo và bị người sử dụng lao động bỏ qua.
Trước đây, văn hóa làm việc "996", tức là làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối và sáu ngày một tuần, thường được ca ngợi tại các công ty lớn. Ông chủ của tập đoàn Alibaba, nhà tỷ phú Jack Ma, đã phải đối mặt với làn sóng chỉ trích vào năm ngoái sau khi viết một bài đăng trên blog ca ngợi văn hóa 996 như một "điều tuyệt vời". Anh ta sau đó đã quay đầu lại.
Tại Thâm Quyến – nơi đặt trụ sở của những “gã khổng lồ” công nghệ bao gồm Huawei, Tencent và SZ DJI, văn hóa làm việc "996" đang rất thịnh hành.
Hồi tháng 6, chính quyền Thâm Quyến cho biết các cải cách quy định về sức khỏe người lao động sắp tới sẽ trở thành một tấm gương cho các thành phố còn lại của Trung Quốc.
Tuy nhiên, văn bản không nêu rõ người lao động được nghỉ phép có lương bao nhiêu ngày trong một năm. Ngoài nghỉ phép có lương, người lao động vẫn được nghỉ trong dịp Tết Nguyên Đán cũng như tuần nghỉ lễ Quốc khánh vào tháng 10.
Một số nhân viên trong các công ty công nghệ ở Thâm Quyến mặc dù hoan nghênh quy định mới song vẫn nghi ngờ tính khả thi của chúng. "Trong nhiều trường hợp, tôi phải làm thêm giờ vì có quá nhiều việc phải làm. Hoặc nói theo một cách khác, tôi tự nguyện làm thêm giờ", một công nhân tên Wen hiện làm việc cho một đơn vị sản xuất điện thoại và từng làm việc tại Tencent, cho hay.
Anh Zheng, nhân viên trong một công ty công nghệ thông tin ở Thâm Quyến, cho biết anh đã làm việc thêm giờ trong nhiều năm. Anh tan làm lúc 9 giờ tối và phải mất 1 tiếng mới về đến nhà vì hàng dài người đứng chờ ở ga tàu điện ngầm. Zheng cho biết vì phải sửa chữa mọi sự cố xảy ra với hệ thống máy tính của công ty bất cứ lúc nào nên đôi lúc Zheng phải làm việc lúc nửa đêm.
Trong trường hợp của mình, Zheng tin rằng việc nghỉ phép bắt buộc là không thể vì công ty có thể đổi hình thức làm thêm ngoài giờ sang một kịch bản trá hình. Một trong những kịch bản mà Zheng nghĩ tới là sếp yêu cầu anh làm một số công việc từ xa trong khi đang đi nghỉ hoặc tìm cách khác để không trả lương vào những ngày nghỉ đó.
Zheng chia sẻ như rất nhiều công ty khác, công ty của anh áp dụng phương pháp trả lương theo năng lực. Điều này đồng nghĩa với việc lương của người lao động gồm lương cơ bản và lương hiệu suất làm việc. Nếu như Zheng nghỉ phép năm, anh chỉ nhận được lương cơ bản tương đối thấp.
Theo một cuộc khảo sát năm 2019 do Zhaopin, một nền tảng web tuyển dụng trực tuyến tương tự như LinkedIn thực hiện, tại Trung Quốc, hơn 80% nhân viên văn phòng ở Trung Quốc làm việc ngoài giờ. Trên 20% nhân viên văn phòng làm việc hơn 10 giờ mỗi tuần và hơn 70% trong số họ không được trả lương làm thêm giờ.