Thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ, thước đo dòng hàng hóa, dịch vụ và đầu tư vào và ra khỏi đất nước, đã tăng 35,9 tỷ USD, tương đương 13,1%, lên mức cao kỷ lục là 310,9 tỷ USD trong quý III/2024. Thâm hụt tài khoản vãng lai chiếm 4,2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), mức cao nhất kể từ quý I/2022, tăng từ mức 3,7% của quý II/2024.
Nhập khẩu hàng hóa tăng 23,7 tỷ USD, lên mức 837,2 tỷ USD, mức cao nhất kể từ quý II/2022, được thúc đẩy chủ yếu bởi nhập khẩu tư liệu sản xuất, như phụ kiện máy tính, thiết bị ngoại vi, linh kiện, máy móc phát điện, thiết bị điện và máy tính. Hàng tiêu dùng nhập khẩu cũng tăng, tập trung các sản phẩm y tế, nha khoa và dược phẩm. Trong khi đó, xuất khẩu chỉ tăng 13,6 tỷ USD, lên mức 530 tỷ USD, tập trung vào các loại hàng hóa như chất bán dẫn, phụ kiện máy tính, thiết bị ngoại vi và linh kiện, máy bay dân dụng.
Thâm hụt thương mại hàng hóa cũng tăng lên mức 307,3 tỷ USD trong quý III/2024, mức cao nhất kể từ quý II/2022, từ mức 297,2 tỷ USD của quý trước đó.
Mặc dù mức thâm hụt tài khoản vãng lai hiện không ảnh hưởng nhiều đến đồng USD, nhờ vào vị thế là đồng tiền dự trữ, song các nhà kinh tế cảnh báo điều này có thể thay đổi nếu xu hướng này được duy trì.
Trong khi đó, thâm hụt ngân sách của Mỹ đã tăng lên mức 1.833 tỷ USD trong năm tài chính 2024, mức cao nhất sau đại dịch COVID-19 và tăng 8% so với năm tài chính 2023.
Nhà kinh tế trưởng Paul Ashworth tại Capital Economics cảnh báo về nguy cơ thâm hụt của chính phủ và thâm hụt tài khoản vãng lai có thể phát triển thành khủng hoảng nợ hoặc khủng hoảng tiền tệ toàn diện trong dài hạn.