Một sông băng trên dãy Himalaya đã bất ngờ vỡ và gây ra lũ lụt lớn ở bang Uttarakhand thuộc miền Bắc Ấn Độ hôm 7/2. Thảm họa trên đã phá hủy hai dự án đập thủy điện, khiến các quan chức phải chạy đua để di tản người dân và cứu hộ trên 100 người.
Tờ New York Times đưa tin Thủ hiến bang Uttarakhand Trivendra Singh Rawat cho biết đã tìm thấy thi thể của 14 nạn nhân và có khoảng 125 người khác, chủ yếu là công nhân tại hai dự án đập thủy điện trên, bị cuốn trôi và vẫn chưa được tìm thấy.
Cảnh sát trưởng bang Uttarakhand Ashok Kumar thông báo về vụ việc: “Một trận tuyết lở ập đến đã phá vỡ hoàn toàn dự án điện Rishiganga và gần như tất cả công nhân ở đó đều mất tích. Đến khi dòng nước đổ ập xuống, chúng tôi mới kịp báo động”.
Cảnh tượng gợi nhớ đến trận lũ lụt ở Uttarakhand vào năm 2013, khi đó mưa lớn kéo dài nhiều ngày dẫn đến lở đất khiến hàng nghìn người thiệt mạng và cuốn trôi toàn bộ ngôi làng.
Thảm họa lần này làm dấy lên nỗi lo sợ về những gì sắp xảy ra. Các nhà khoa học cho biết việc một sông băng bị vỡ vào giữa mùa đông là kết quả của biến đổi khí hậu. Trước đó, họ đã cảnh báo nhiệt độ tăng đang làm tan chảy các sông băng ở Himalaya với tốc độ đáng báo động. Một nghiên cứu gần đây cho thấy các sông băng đang cung cấp nước cho hàng chục triệu người có thể biến mất vào cuối thế kỷ này.
Huyện Chamoli của bang Uttarakhand là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi mực nước sông Dhauliganga đang dâng. Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Amit Shah cho biết các đội từ lực lượng ứng phó thảm họa của nước này đã được điều động đến. Một số quan chức khác cho biết có hàng trăm binh sĩ và thành viên của Cảnh sát Biên giới Ấn Dộ - Tây Tạng cũng đã xuống hiện trường.
Một số đoạn video trên mạng xã hội cho thấy dòng nước cuộn dâng từ các hẻm núi, cuốn trôi các cây cầu cùng những thứ trông giống như cấu trúc thủy điện của một trong những con đập. Các quan chức cho biết 35 người đã làm việc tại dự án thủy điện Rishiganga nằm ngay sát dòng sông băng và thủy điện này đã bị cuốn trôi. Ngoài ra còn có 176 người làm việc tại một dự án cách đó 5km về phía hạ lưu. (Xem video vụ vỡ sông băng. Nguồn: Straits Times)
Ratan Singh Rana, 55 tuổi, người làng Raini gần dự án thủy điện Rishiganga, cho biết nước lũ tràn xuống vào khoảng 10h30 sáng. Ông miêu tả: “Khi tôi đang ngồi trên sàn nhà đã nhìn thấy dòng chất lỏng màu đen chảy từ sườn núi Nanda Devi xuống kèm theo nhiều tiếng ồn như một ngọn núi lửa phun trào”.
Ông kể lại: “Nó chỉ cách chúng tôi chừng 20 - 25m. Chúng tôi chạy lên đồi với khoảng cách 250m và không ngừng khóc và hét lên”.
Ông Rana cho biết nước bùn cuốn trôi những tảng đá lớn và băng xuống hạ lưu. Con gái và cháu gái của ông bị mắc kẹt trong ngôi nhà với đống bùn đất đóng kín lối vào chính. Họ đã tìm cách giải cứu từ phía sau ngôi nhà. Ông nói: “Chúng tôi nghĩ rằng cả thế giới sẽ chết chìm trong thảm họa này. Tôi đã nghĩ rằng hôm nay là ngày tận thế, chúng ta sẽ rời khỏi thế giới này ngay hôm nay”.
Đến chiều cùng ngày, có vẻ như thiệt hại nặng nề nhất do trận lũ lụt gây ra đã kết thúc. Tướng Bipin Rawat đã đến thăm Chamoli và đăng một video lên Twitter cho thấy dòng nước đã chậm lại. Ông bày tỏ hy vọng rằng một số người mất tích có thể được giải cứu. Báo chí địa phương cho biết 16 người bị mắc kẹt trong đường hầm đã được giải cứu cho đến nay. Ông nói: “Trọng tâm đặc biệt của chúng tôi là giải cứu các công nhân bị mắc kẹt trong đường hầm”.
Thảm họa khiến lời chỉ trích dồn về phía chính phủ vì đã xây dựng một con đập quá gần các sông băng vào thời điểm khu vực này rất dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.
Uma Bharti, cựu Bộ trưởng Tài nguyên nước và Phát triển sông trong chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi, cho biết bà đã cảnh báo không nên đặt một dự án thủy điện trên sông quá gần dãy Himalaya.
Bà Bharti đã viết trên mạng xã hội Twitter: “Sự cố xảy ra trên dãy Himalaya tại Rishiganga, là một vấn đề đáng quan ngại và báo động”. Trước đó, bà đã cảnh báo rằng dãy Himalaya là một khu vực rất nhạy cảm, và đó là lý do tại sao không nên xây dựng các dự án này trên sông Hằng và các phụ lưu.
Anil Joshi, một nhà môi trường học chuyên nghiên cứu về khu vực Himalaya, cho biết con đập vừa bị cuốn trôi được xây dựng chỉ cách vài km từ dòng sông băng Nanda Devi, con sông nằm trên đỉnh núi cao thứ hai của Ấn Độ.
“Vào thời điểm này, một trận tuyết lở trên sông băng cho thấy khí hậu thay đổi”, ông Joshi đề cập vụ việc đã diễn ra như thế nào giữa mùa đông lạnh giá. Ông nói: “Sự thay đổi nhiệt độ đã làm các sông băng tách rời và điều đó đã phá hủy đập thủy điện ở Rishiganga".