Thảm họa cháy rừng ở bang Hawaii của Mỹ và lời cảnh báo từ thiên nhiên

Các vụ cháy rừng bùng phát tuần qua trên đảo Maui của Hawaii đã khiến ít nhất 99 người thiệt mạng, hàng nghìn người phải sơ tán và biến phần lớn thị trấn Lahaina sôi động, có tuổi đời hàng thế kỷ thành tro bụi.

Biển lửa bao trùm

Ít nhất 3 đám cháy lớn bùng phát từ hôm 9/8 ở bờ biển phía Tây đảo Maui thuộc bang Hawaii và nhanh chóng lan rộng, bao trùm thị trấn ven biển Lahaina. Các nhân chứng cho biết ngọn lửa lan quá nhanh khiến nhiều cư dân và du khách mất cảnh giác, nhiều người bị bỏng, ngạt khói và bị thương.

Theo thống kê sơ bộ, 80% thành phố Lahaina bị thiêu rụi, hơn 270 công trình bị phá hủy hoặc hư hại và khoảng 1.700 ngôi nhà bị ảnh hưởng và khoảng 1.000 người vẫn đang mất tích. Đến tối 13/8, hai đám cháy vẫn chưa được khống chế và công việc tìm kiếm người mất tích, khắc phục hậu quả vẫn đang được khẩn trương tiến hành, trong khi hàng nghìn người đã phải di tản đến nơi trú ẩn khẩn cấp hoặc rời khỏi đảo.

Chú thích ảnh
Nhà thờ Waiola và chùa Hongwanji cùng bị lửa nhấn chìm. Ảnh: AP

Thống đốc bang Hawaii Josh Green, cho biết hiện lực lượng cứu hộ mới rà soát được khoảng 3% các khu vực cần tìm kiếm, do đó con số thương vong về người sẽ còn tăng trong khoảng thời gian tới. Bên cạnh đó, các quan chức cũng cảnh báo nguy cơ nguồn nước bị ô nhiễm do khói độc hại từ các đám cháy.

Thống đốc Green thông báo đang đẩy nhanh việc đưa cư dân Lahaina phải sơ tán đến nơi ở tạm thời, với hơn 500 phòng khách sạn được chính phủ trợ cấp. Ông cũng cho biết đã có nhiều ngôi nhà cho thuê được trưng dụng để giúp người dân phải sơ tán có chỗ ở tạm thời.

Vụ cháy rừng tại Maui trong những ngày qua được coi là một trong những vụ cháy rừng gây nhiều thương vong nhất tại Mỹ trong hơn 100 năm qua. Theo đó, số người thiệt mạng do cháy rừng ở Hawaii đã vượt con số 85 người thiệt mạng trong vụ cháy rừng có tên Camp Fire ở bang California vào năm 2018. Thống đốc Green đánh giá vụ cháy rừng trên đảo Maui là thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất tiểu bang Hawaii và số người thiệt mạng có thể sẽ tiếp tục gia tăng.

Trong bối cảnh đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố tình trạng thảm họa ở Hawaii. Trong thông cáo báo chí, Nhà Trắng cho biết ông Biden chỉ thị chính quyền liên bang hỗ trợ bổ sung cho công tác phục hồi của bang và địa phương tại những khu vực bị ảnh hưởng. Theo đó, các cá nhân bị ảnh hưởng tại hạt Maui sẽ nhận được trợ cấp của chính quyền bang để dựng nhà ở tạm và sửa nhà. Chính quyền bang cũng hỗ trợ các cá nhân và chủ doanh nghiệp những khoản vay chi phí thấp để bù đắp tổn thất tài sản không có bảo hiểm và một số chương trình khác để phục hồi sau thảm họa cháy rừng. Tổng thiệt hại của thảm họa cháy rừng này ước tính gần 6 tỷ USD.

Lời cảnh báo từ thiên nhiên

Theo các chuyên gia, thảm họa tồi tệ trên do nhiều nguyên nhân, trong bối cảnh các vụ cháy rừng gia tăng tàn phá miền tây nước Mỹ những năm gần đây. Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ cho rằng thảm thực vật khô, gió mạnh và độ ẩm thấp đã gây ra cháy rừng. Theo ông Thomas Smith, giáo sư địa lý môi trường tại Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London, cháy rừng xảy ra hằng năm ở Hawaii, nhưng đám cháy năm nay bùng phát nhanh và lớn hơn bình thường.

Trong khi đó, Thống đốc Green cho rằng, các cơn gió giật mạnh do ảnh hưởng của một cơn bão ở phía Nam đã khiến cho các đám cháy lan nhanh một cách bất ngờ. “Với vận tốc gió trong khoảng 96,5-130 km/h di chuyển qua hòn đảo và điều này đồng nghĩa với lửa bén 1,6km mỗi phút”, ông nhấn mạnh.

Chú thích ảnh
Hàng loạt ô tô cháy xém đỗ trên đường tại Maui. Ảnh: Getty Images

Ngoài ra, các chuyên gia cho biết, môi trường do con người tạo ra ở Maui và các đảo khác thuộc Hawaii cũng trở nên thuận lợi hơn cho các vụ cháy rừng. Bà Elizabeth Pickett, đồng Giám đốc điều hành tổ chức Quản lý cháy rừng Hawaii tiết lộ, chỉ chưa đầy 1% các sự cố như vậy ở bang này là do nguyên nhân tự nhiên.

Trong nửa thế kỷ qua, diện tích đất của Hawaii dành cho trồng trọt và chăn nuôi gia súc đã giảm hơn 60% do cạnh tranh quốc tế và giá bất động sản tăng cao. Một phần những đồng ruộng trên các đảo từng được tưới tiêu để trồng mía, đu đủ, dứa và hạt mắc ca, đã trở thành đất ở hoặc không còn phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Nhiều mảnh đất bị bỏ hoang, tạo điều kiện cho một loại cỏ ngoại lai, dễ bắt lửa sinh sôi, phát triển và hiện chiếm 25% diện tích toàn bang. Những loại cỏ xâm lấn đó đã lấn án các loài thực vật bản địa, khô héo nhanh và dễ bắt lửa, khiến các đám cháy rừng lan rộng với tốc độ chóng mặt. Điều đó góp phần khiến các đám cháy ở Hawaii, kể từ những năm 1990, đã thiêu rụi số diện tích mỗi năm cao gấp 4 lần so với thế kỷ trước.

Biến đổi khí hậu cũng có thể là một nguyên nhân gây thảm họa ở Hawaii. Các nhà khoa học nhận định, tình trạng ấm nóng lên toàn cầu do con người sử dụng nhiên liệu hóa thạch, phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, đã dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên hơn và mạnh mẽ hơn. Nắng nóng cùng nền nhiệt độ cao kỷ lục trong mùa hè này cũng góp phần gây ra vô số vụ cháy rừng nghiêm trọng, bất thường ở nhiều nơi trên thế giới.

Trong khi đó, truyền thông Mỹ dẫn kết luận từ các nhóm pháp lý thuộc các công ty Watts Guerra, Singleton Schreiber và Frantz Law Group, cho rằng cơ sở hạ tầng bị hư hại của Hawaiian Electric đóng vai trò là mồi lửa cho các vụ cháy trên đảo.

Mikal Watts, đại diện của Watts Guerra, nói với một hãng thông tấn Mỹ: “Tất cả các bằng chứng, từ video, lời kể của nhân chứng, quá trình cháy và thiết bị tiện ích còn lại – đều chỉ ra rằng thiết bị của Hawaiian Electric là nguồn cơn gây ra đám cháy tàn phá Lahaina”. Hawaiian Electric trước đó đã báo cáo rằng gió mạnh đã làm đổ các đường dây điện trong khu vực bị ảnh hưởng.

Ở một khía cạnh khác, Tổng chưởng lý bang Hawaii Anne Lopez cho biết chính quyền đang mở cuộc điều tra về cách thức xử lý các vụ cháy rừng kinh hoàng xảy ra ở bang này khi ngày càng có nhiều chỉ trích về cách ứng phó của chính quyền.

Cơ quan quản lý thảm họa ở Hawaii cho biết thời điểm đó, các cảnh báo khẩn cấp đã được gửi qua điện thoại di động, ti vi và đài phát thanh. Tuy nhiên, không rõ liệu những cảnh báo đó có kịp thời đến được với người dân hay không, bởi ngay lúc đó, tình trạng mất điện và mất sóng di động trên diện rộng đã cắt đứt hầu hết liên lạc ở bên trong Lahaina. Thống đốc Josh Green cho biết lực lượng chức năng đang tiến hành làm rõ vụ việc, đồng thời xem xét, đánh giá lại chất lượng của hệ thống ứng phó khẩn cấp.

Hoài Nam (Tổng hợp)
Vụ cháy rừng thế kỷ tại Hawaii có thể bắt nguồn từ thiết bị điện hư hại
Vụ cháy rừng thế kỷ tại Hawaii có thể bắt nguồn từ thiết bị điện hư hại

Các cuộc điều tra về vụ cháy rừng tàn khốc trên đảo Maui, cướp đi sinh mạng của ít nhất 93 người, đều nghi ngờ nguyên nhân bắt lửa là từ thiết bị bị hư hỏng thuộc sở hữu của Hawaiian Electric – một công ty phụ trách cung cấp điện cho 95% người dân trên đảo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN