Thái Lan ứng phó với nguy cơ hệ thống y tế quá tải

Trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 tăng cao đẩy hệ thống y tế Thái Lan vào nguy cơ thiếu giường bệnh và nhân viên y tế, ngày 24/6, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin cam kết sẽ nỗ lực duy trì năng lực của hệ thống y tế công cộng của nước này.

Chú thích ảnh
Người dân chờ được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Narathiwat, Thái Lan ngày 7/6/2021. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, ông Anutin nhấn mạnh Bộ Y tế "sẽ không cho phép hệ thống y tế công cộng sụp đổ", theo đó ông kêu gọi tăng cường phối hợp để cải thiện tình hình và huy động tất cả các nguồn lực, nhân sự y tế trên toàn quốc trong trường hợp cần thiết.

Bộ trưởng Y tế Anutin đưa ra phát biểu trên sau khi một số chuyên gia y tế Thái Lan cảnh báo dịch COVID-19 bùng phát rất nghiêm trọng và kiến nghị chính phủ phong tỏa thủ đô Bangkok trong 7 ngày. Theo ông Anutin, kiến nghị này rất đáng lưu ý, nhưng phải được cân nhắc cẩn thận.

Trong khi đó, Cục trưởng Cục Dịch vụ y tế Somsak Akksilp cho biết các bệnh viện nhà nước chỉ còn 23 giường dành cho các bệnh nhân COVID-19 nặng và dự báo tình hình sẽ tồi tệ hơn nếu số ca mắc mới tiếp tục tăng cao với tốc độ như hiện nay. Ông Somsak cho biết Bộ Y tế đang cố gắng tăng số giường cho những bệnh nhân có triệu chứng ít nghiêm trọng hơn và có thể điều chỉnh giảm thời gian điều trị tại bệnh viện từ 14 ngày xuống 10 ngày, sau đó bệnh nhân sẽ tự cách ly tại nhà. Với điều chỉnh này, số lượng giường sẽ tăng 40%.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha trên cương vị người đứng đầu Trung tâm Xử lý tình hình dịch COVID-19 (CCSA) đã chỉ đạo tất cả các cơ quan liên quan giúp đỡ Bangkok và các tỉnh lân cận để tăng số lượng giường bệnh, đặc biệt đối với nhóm bệnh nhân có các triệu chứng nặng hơn.

Ngày 25/6, Thái Lan ghi nhận 3.644 ca mắc mới COVID-19 và 44 trường hợp tử vong do dịch bệnh này trong 24 giờ qua. Kể từ khi COVID-19 xuất hiện ở Thái Lan đầu năm ngoái, đến nay nước này đã ghi nhận tổng cộng 236.291 ca mắc, trong đó có 1.819 ca tử vong

Tại Malaysia, Bộ Y tế yêu cầu thực hiện nghiêm chính sách kiểm dịch đối với du khách nhập cảnh để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm sau khi ghi nhận thêm 6 trường hợp nhiễm mới các biến thể đáng lo ngại của virus SARS-CoV-2 ở nước này.

Phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur dẫn lời của Tổng Giám đốc y tế Malaysia, Tiến sĩ Noor Hisham Abdullah, cho biết các trường hợp trên được phát hiện trong khoảng thời gian từ ngày 20-22/6. Trong đó, 5 trường hợp nhiễm biến thể Beta và 1 trường hợp nhiễm biến thể Delta, đều là các biến thể có khả năng lây lan nhanh hơn, với nguy cơ tử vong cao hơn.

Trước tình hình trên, Tiến sĩ Noor Hisham nhấn mạnh việc thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm dịch đối với người nhập cảnh là rất quan trọng để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, theo đó thời gian cách ly bắt buộc cần được thực hiện dựa trên đánh giá nguy cơ lây nhiễm.  Tiến sĩ Noor Hisham cho biết Ủy ban giám sát cách ly tại nhà (HSO) đã nhận được rất nhiều đơn đề nghị miễn hoặc rút ngắn thời gian cách ly vì một số lý do nhất định, nhưng cơ quan này sẽ đánh giá nghiêm ngặt trước khi hồi đáp đơn.

Hiện tại, Malaysia quy định du khách đến Malaysia từ Ấn Độ, Sri Lanka, Bangladesh, Nepal và Pakistan phải thực hiện cách ly bắt buộc 21 ngày tại các trung tâm cách ly do chính phủ chỉ định. Đối với du khách đến từ các quốc gia khác, thời gian cách ly được quy định là 14 ngày, tuy nhiên có thể kéo dài thêm 7 ngày, tùy thuộc vào đánh giá rủi ro.

 Ngọc Quang - Hằng Linh (TTXVN)
WHO cảnh báo đại dịch COVID-19 lây lan với tốc độ chưa từng có ở châu Phi
WHO cảnh báo đại dịch COVID-19 lây lan với tốc độ chưa từng có ở châu Phi

Ngày 24/6, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo số ca mắc COVID-19 ở châu Phi đang tăng với tốc độ chưa từng có trong bối cảnh "châu lục đen" đang phải vật lộn với làn sóng lây nhiễm thứ 3 và điều này sẽ đe dọa nghiêm trọng đến cơ sở hạ tầng y tế công cộng nơi đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN