Được thông qua tại cuộc họp do Ủy ban Quốc gia về Bệnh truyền nhiễm (NCDC) tổ chức, mục tiêu của kế hoạch là dần kiểm soát các đợt gia tăng số ca mắc và tử vong do biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây ra, đồng thời đảm bảo đất nước sẵn sàng coi COVID-19 như một bệnh đặc hữu.
Phát biểu họp báo sau cuộc họp, Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul cho biết quyết định trên nhằm hỗ trợ nền kinh tế Thái Lan phục hồi sau đại dịch cũng như bảo vệ sức khỏe cộng đồng bằng cách thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt phù hợp.
Các quan chức y tế Thái Lan dự báo số ca mắc COVID-19 ở nước này sẽ tiếp tục gia tăng trong giai đoạn từ ngày 12/3 đến đầu tháng 4 tới, và sẽ bắt đầu giảm trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 5, dù số ca bệnh vẫn sẽ ở mức cao. Giai đoạn thứ ba, từ cuối tháng 5 đến tháng 6, số ca mắc mới hàng ngày được dự báo sẽ giảm đáng kể xuống còn khoảng 1.000 đến 2.000 ca trước khi đất nước bước vào giai đoạn xem COVID-19 là bệnh đặc hữu từ ngày 1/7 trở đi. Giới chức Thái Lan nhấn mạnh rằng để đạt được đến giai đoạn xem COVID-19 là bệnh đặc hữu, tỷ lệ tử vong vì căn bệnh này phải không được vượt quá 0,1%. Hiện tại, tỷ lệ này là gần 0,2%.
Trong ngày 9/3, Thái Lan ghi nhận 22.073 ca mắc mới COVID-19 và thêm 69 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong lên lần lượt 3,09 triệu ca và 23.438 ca. Tính đến ngày 8/3, khoảng 71,7% trong tổng số gần 70 triệu dân tại Thái Lan đã được tiêm đủ liều vaccine cơ bản, trong khi 30,6% người đã được tiêm mũi tăng cường.