Truyền thông sở tại cho biết, phát biểu sau cuộc họp của Tiểu ban về tiếp thị của Ủy ban Chính sách gạo quốc gia mới đây, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại Jurin Laksanawisit cho biết, nhóm này đã nhất trí tiếp tục chương trình đảm bảo giá lúa, gạo trong niên vụ 2021-2022 với các tiêu chí tương tự như niên vụ trước, cũng như các biện pháp để duy trì giá gạo ổn định.
Trong tổng số ngân sách chi tiêu, 80 tỷ baht sẽ được phân bổ cho chương trình đảm bảo giá, trong khi 8 tỷ baht còn lại để bình ổn giá. Ông Jurin cho biết, quyết định nói trên sẽ được trình lên cuộc họp của Ủy ban Chính sách gạo quốc gia do Thủ tướng chủ trì, sau đó sẽ được gửi lên Nội các để thông qua.
Theo ông Jurin, trong vụ mùa 2021/2022 kéo dài từ tháng 10/2021 đến tháng 2/2022, Thái Lan dự kiến sẽ sản xuất 26 triệu tấn thóc, tăng 4% so với vụ mùa hiện tại nhờ lượng mưa đủ lớn và diện tích trồng trọt cao hơn.
Ông Jurin nói thêm rằng mặc dù kế hoạch chi tiêu cho vụ mùa mới cao hơn so với mức 55 tỷ baht dành cho vụ mùa hiện tại, nhưng chi tiêu thực tế có thể thấp hơn nhiều so với ngân sách đã được phê duyệt.
Ngoài ra, ông Jurin đã yêu cầu cho Vụ Ngoại thương đẩy nhanh các cuộc đàm phán với Trung Quốc về việc mua thêm gạo thông qua thỏa thuận giữa chính phủ với chính phủ (G2G). Tháng 6 vừa qua, Trung Quốc đã đồng ý mua 20.000 tấn gạo trắng từ Thái Lan thông qua một thỏa thuận G2G.
Bộ Thương mại Thái Lan đang thúc đẩy tăng xuất khẩu gạo lên 6 triệu tấn với trị giá khoảng 150 tỷ baht, trong đó Indonesia, Trung Quốc, Bangladesh và Iraq được coi là các thị trường chính theo các thỏa thuận giữa chính phủ với chính phủ (G2G).
Năm 2019, Thái Lan xuất khẩu 7,58 triệu tấn gạo, thu về 131 tỷ baht, giảm 32% về lượng và 25% về giá trị so với năm trước đó. Trong năm 2020, Thái Lan xuất khẩu tổng cộng 5,7 triệu tấn gạo.