Chủ tịch Hội đồng Hòa bình và trật tự quốc gia (NCPO) của
Thái Lan, Tướng Prayuth Chan-ocha (Pray-út Chan-ô-cha) tối 30/5 cho
biết chính phủ lâm thời tại Thái Lan sẽ được thành lập trước
tài khóa 2015 (bắt đầu vào tháng 10/2014), trong khi cuộc tổng
tuyển cử dự kiến sẽ được tiến hành sau 15 tháng nữa. Binh lính canh gác ngày 30/5 dọc những con đường đã bị phong tỏa quanh Tượng đài Chiến thắng ở Bangkok, nơi người biểu tình phản đối đảo chính tụ tập những ngày trước đó.
|
Trong phát biểu đầu tiên trên truyền hình quốc gia sau
cuộc đảo chính hôm 22/5 vừa qua, Tướng Prayuth khẳng định chính
quyền quân sự không muốn nắm giữ quyền lực, song buộc phải
hành động do Thái Lan bị sa lầy trong bế tắc chính trị quá
lâu. Ông Prayuth nêu rõ cuộc đảo chính là nhằm chấm dứt bạo
lực, khôi phục hòa bình và mang hạnh phúc trở lại với đất
nước Thái Lan 67 triệu dân. Tướng Prayuth cho biết sau khi sứ mệnh
trên được hoàn tất, quân đội Thái Lan sẽ trở lại với nhiệm
vụ quân sự thông thường.
Tướng Prayuth cũng đưa ra
một lộ trình và khung thời gian rõ ràng cho việc cải cách đất
nước trước khi tiến hành tổng tuyển cử. Theo tờ "Bangkok Post"
(Bưu điện Bangkok), giai đoạn một (dự kiến kéo dài trong 2-3
tháng) sẽ tập trung vào việc đảm bảo an ninh và hòa giải
giữa các phe phái chính trị; trong giai đoạn hai (kéo dài ít
nhất một năm), một hội đồng lâm thời sẽ được thành lập thông
qua sự nhất trí của các chuyên gia chính trị; trong giai đoạn ba
- đồng thời là giai đoạn cuối của lộ trình trên, một hội
đồng quốc gia sẽ được thành lập và sẽ chọn ra Thủ tướng.
Tướng Prayuth đồng thời yêu cầu tất cả các phe phái tại
Thái Lan hợp tác, chấm dứt sử dụng vũ lực và đối thoại để giải
quyết bất đồng nhằm tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính
trị trong nước.
Phản ứng trước tuyên bố của quân đội
về việc chưa thể tổ chức bầu cử trong thời điểm hiện nay, Mỹ - đồng minh
lâu năm của Thái Lan - cho rằng 15 tháng là thời gian trì hoãn
quá dài. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho
rằng biện pháp tốt nhất hiện nay là chính quyền quân sự Thái
Lan "lên thời hạn tổng tuyển cử sớm và tạo điều kiện thuận lợi
cho tiến trình bầu cử diễn ra toàn diện và minh bạch".
Trong khi đó, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop ngày 31/5 cho biết nước này sẽ giảm bớt mức độ tương tác với quân đội
Thái Lan. Tuyên bố của Ngoại trưởng Bishop nêu rõ: “Chính phủ
Australia tiếp tục quan ngại nghiêm trọng về các hành động của quân đội ở
Thái Lan. Do đó, Australia sẽ giảm bớt sự can dự với quân đội Thái Lan
và sẽ hạ thấp mức độ tương tác với ban lãnh đạo quân đội. Chúng tôi sẽ
tiếp tục xem xét lại các hoạt động quốc phòng và các hoạt động song
phương khác”.
Australia - nước có quan hệ ngoại
giao hữu nghị với Bangkok trong hơn 60 năm qua - cũng tuyên bố
hoãn 3 hoạt động đã được lên kế hoạch diễn ra trong những tuần tới ở
Thái Lan, bao gồm 1 khóa huấn luyện về luật chiến dịch quân sự cho các
sĩ quan Thái Lan và hai chuyến khảo sát, trong đó có một chuyến tham gia
cuộc diễn tập huấn luyện chống khủng bố và một chuyến tham gia diễn tập
huấn luyện chống thiết bị nổ tự tạo. Ngoài ra, Canberra cũng đã áp dụng
cơ chế ngăn chặn các lãnh đạo đảo chính nhập cảnh Australia.
Trước đó, Mỹ cũng đã hủy tập trận quân sự với Thái Lan
và một số chuyến thăm đã được lên kế hoạch của giới chức
nước này tới Bangkok.
TTXVN/Tin Tức