Tại cuộc họp báo cùng ngày, Phó Thủ tướng Phumtham Wechayachai cho biết ủy ban sẽ bao gồm các đại diện của chính phủ và phe đối lập cũng như các học giả, nhà hoạt động chính trị và chuyên gia pháp lý. Ủy ban dự kiến sẽ tổ chức cuộc họp đầu tiên vào tuần tới.
Ủy ban có khung thời gian từ 3 đến 4 tháng, hoặc ít nhất là trước năm mới, để đưa ra kết luận về cuộc trưng cầu ý dân (về sửa đổi hiến pháp). Ông Phumtham cho biết Nội các sẽ phê duyệt và đệ trình các khuyến nghị của ủy ban lên Ủy ban bầu cử trước cuộc trưng cầu ý dân.
Phó Thủ tướng Phumtham cũng nêu rõ hiến pháp mới sẽ không thay đổi bất cứ điều gì liên quan đến chế độ quân chủ. Ông nói: “Chúng tôi sẽ không đề cập đến Chương I và Chương II bao gồm các đặc quyền của Hoàng gia trong các chương khác”.
Hiến pháp hiện tại của Thái Lan được soạn thảo sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014, có hiệu lực từ năm 2017 và dành nhiều quyền lực cho các các quan chức không qua bầu chọn và lực lượng vũ trang.
Trước đó, trong chiến dịch vận động trước tổng tuyển cử 2023, đảng Pheu Thai (Vì nước Thái) của ông Srettha cũng cam kết tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về việc thay đổi hiến pháp, khi cho rằng hiến pháp hiện hành được sử dụng để mở rộng quyền lực cho chính quyền lúc đó.