Các nhà vận hành ngành dịch vụ hậu cần tại Thái Lan cho biết, tình trạng khan hiếm những mặt hàng thiết yếu ở Băngcốc có thể sẽ tồi tệ hơn nữa, nếu quốc lộ Rama II bị ngập lụt trong vài ngày tới, có thể còn dẫn tới nguy cơ làm gián đoạn hoạt động vận chuyển hàng hóa từ phía Nam và phía Tây Thái Lan tới thủ đô của nước này.
Thủ tướng Yingluck Shinawatra (giữa) trên xuồng cao su trong chuyến thị sát khu vực ngập lụt ở phía bắc Băngcốc, ngày 3/11. AFP/TTXVN .
|
Hiện Rama II đang là con đường duy nhất giúp các phương tiện có thể đi từ Băngcốc đến các tỉnh miền Nam hay các khu vực nghỉ dưỡng ở miền Trung Nam và ngược lại, sau khi một số đoạn đường trên tuyến đường Phétcaxem (Phetkasem) và Borômrátchonnani (Boromratchonnanee) bị ngập sâu.
Theo phóng viên TTXVN tại Thái Lan, giới chức nước này đã quyết định không dựng đắp các bức tường ngăn nước lũ trên quốc lộ này và để cho nước lụt từ miền Bắc tràn qua khu vực phía Tây Băngcốc rồi đổ ra Vịnh Thái Lan, nhằm hạn chế số người bị ảnh hưởng dài ngày bởi lũ lụt.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh nước lũ dâng cao đang đe dọa đẩy Băngcốc vào tình trạng bị cô lập dần, nhất là sau khi các con đường chính đi tới phía Bắc và Đông Bắc Thái Lan gần như bị tê liệt bởi trận lũ lụt tồi tệ nhất trong 50 năm qua . Một quan chức ở Thon Buri, một trong những cố đô của Thái Lan, cho biết quốc lộ Rama II có thể sẽ bị ngập lụt trong bối cảnh lượng nước tồn đọng tại đó rất lớn, tác động mạnh đến giao thương cũng như hoạt động sản xuất, phân phối hàng hóa và du lịch.
Bộ Giao thông Vận tải Thái Lan đang có phương án đề phòng bằng cách nỗ lực bơm thoát nước ở đoạn đường 340 đang bị ngập tại tỉnh Nonthaburi giáp Băngcốc, giúp các phương tiện giao thông có thể đi và đến bằng đường vòng. Trong khi đó, hiện vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy "giặc thuỷ" rút đi ở Băngcốc sau khi đã làm ngập ít nhất 20% diện tích tại đây.
Ngày 5/11, nước lụt lan từ ngã tư Lát Prao (Lat Prao) chảy dọc con đường Phahổndôthin (Phaholyothin) và làm ngập các làn đường phía trước bến tàu điện trên cao Mỏ Chít (Mor Chit) và Viện Hàng không Dân dụng, đối diện với chợ Chủ Nhật Chạtụchặc (Chatuchak), là nơi có đông khách du lịch ghé thăm. Cư dân ở các phường trong quận Chạtụchặc ở Băngcốc, được khuyến cáo nên dời nhà đến các trung tâm lánh nạn để đảm bảo an toàn.
Giới chức trách Thái Lan cũng chạy đua với thời gian chất những bao cát nặng 2-2,5 tấn để tạo thành tuyến đê bao ở phía Bắc Băngcốc với hy vọng giữ cho khu trung tâm của thủ đô Thái Lan khô ráo trước trận đại hồng thủy tồi tệ nhất trong nửa thế kỷ nay.
Trong bài phát biểu trên đài phát thanh và truyền hình hàng tuần sáng 5/11, Thủ tướng Dinhlúc Xinnavắt (Yingluck Shinawatra) bày tỏ quyết tâm tiếp tục nỗ lực bảo vệ Băngcốc trước sự tấn công của "giặc thuỷ", giúp đỡ người dân vùng lũ lụt và sớm giải quyết cuộc khủng hoảng này. Dự kiến vào ngày 8/11, bà Dinhlúc sẽ đề nghị Nội các Thái Lan cấp khoản ngân sách ban đầu trị giá 100 tỷ bạt (1 USD = 30-31 bạt) cho chương trình phục hồi ở các tỉnh, thành và trợ giúp nhân dân cũng như các doanh nghiệp bị tác động bởi mưa lũ.
* Cùng ngày, nhật báo "Bưu điện Băngcốc" đưa tin hơn 5.300 người đã mất việc làm do hơn 20.000 doanh nghiệp tại 16 tỉnh ở Thái Lan bị ảnh hưởng do lũ lụt kéo dài những ngày qua.
Theo ông Athít Ixmô (Athit Ismo), Vụ trưởng Vụ bảo hộ lao động và phúc lợi thuộc Bộ Lao động Thái Lan, cho biết hơn 20.000 công ty với hơn 790.000 nhân viên ở 16 tỉnh đã bị ảnh hưởng do lũ lụt. Các công ty này đã buộc phải sa thải hơn 5.300 nhân công, trong đó có các công nhân ở Băngcốc và tỉnh miền Trung Nonthaburi.
Trước đó, toàn bộ bảy khu công nghiệp đã bị nhấn chìm trong nước lũ, gây thiệt hại kinh tế ít nhất 4,9 tỷ USD.
Theo con số thống kê chính thức, trên cả nước hiện đã có 437 người thiệt mạng, hai người mất tích, hơn 3 triệu ngôi nhà bị phá huỷ và gần 10 triệu người bị ảnh hưởng trong đợt lũ lụt tồi tệ nhất ở Thái Lan trong nửa thế kỷ qua, kéo dài từ giữa tháng Bảy đến nay./.
TTXVN/Tin Tức.