Trong quý đầu của năm 2024, các khoản cho vay đặc biệt (SM), được xác định là các khoản quá hạn từ 30 - 90 ngày, đối với chủ thẻ tín dụng đã tăng lên 12 tỷ baht (325 triệu USD), tăng 32,4% so với cùng kỳ năm ngoái và 20,6% so với quý IV/2023.
Theo dữ liệu của Cục Tín dụng quốc gia (NCB), khoảng 190.000 thẻ bị vỡ nợ. Giám đốc điều hành NCB, ông Surapol Opastien cho rằng tỷ lệ vỡ nợ gia tăng một phần có thể là do quyết định của BoT nâng yêu cầu thanh toán tối thiểu đối với thẻ tín dụng từ 5% lên 8% vào đầu năm nay. Ông Surapol cho biết tăng trưởng kinh tế mong manh, thu nhập cá nhân phục hồi không đồng đều và chi phí sinh hoạt cao hơn dự kiến là nguyên nhân khiến chủ thẻ tín dụng gặp nhiều khó khăn trong việc trả nợ.
Trong thời kỳ đại dịch COVID-19, BoT tạm thời giảm yêu cầu thanh toán tối thiểu xuống 5% để giảm bớt gánh nặng nợ nần cho người đi vay. Tuy nhiên, vào tháng 1/2024, BoT đã khôi phục tỷ lệ thanh toán tối thiểu ở mức 8%, với kế hoạch đưa con số này trở lại mức bình thường là 10% vào năm 2025.
Theo dữ liệu của NCB, tính đến tháng 3 năm nay, tổng số thẻ tín dụng được phát hành đạt khoảng 24 triệu thẻ, với dư nợ lên tới khoảng 550 tỷ baht (14,8 tỷ USD), tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, các khoản nợ xấu (NPL) đối với thẻ tín dụng lên tới 64 tỷ baht (1,7 tỷ USD) trong quý đầu năm nay, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước tình hình trên, BoT cam kết giám sát tác động của việc tăng mức thanh toán tối thiểu, sau đề xuất của Câu lạc bộ Thẻ Tín dụng về việc trì hoãn tăng lãi suất dựa trên lo ngại khả năng trả nợ của chủ thẻ tín dụng yếu đi trong bối cảnh kinh tế phục hồi không đồng đều.