Thái Lan đối mặt nguy cơ thiếu nhiên liệu vì giá nhập khẩu quá đắt

Việc Thái Lan hạn chế nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) vì giá tăng cao có thể khiến nước này bị thiếu hụt nhiên liệu.

Chú thích ảnh
Một tuyến phố ở Thủ đô Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Unsplash

Các nhà nhập khẩu Thái Lan đã cắt giảm mua LNG từ thị trường giao ngay vì giá tăng vọt và nguồn cung hạn chế. Hãng tin Bloomberg dẫn lời một số nhân vật trong ngành thương mại này cho biết mặc dù giới chức nước này đã lên kế hoạch tăng cường mua các loại nhiên liệu giá rẻ hơn, chẳng hạn như dầu diesel và dầu nhiên liệu, thì vẫn khó bù đắp được phần thâm hụt do cắt giảm LNG gây ra.

"Chúng tôi sẽ không để xảy ra tình trạng thiếu nhiên liệu", Phó phát ngôn viên Chính phủ Thái Lan Rachada Dhnadirek trả lời phỏng vấn báo Bloomberg về nguy cơ thiếu hụt xăng, dầu.

Một số nước láng giềng châu Á của Thái Lan như Pakistan và Sri Lanka đang ở giữa cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng do chi phí dầu khí tăng cao.

Giá LNG giao ngay ở Bắc Á đã tăng khoảng 50% trong tháng này, tức tăng gấp ba lần so với một năm trước, trong bối cảnh Nga giảm lượng xuất khẩu loại nhiên liệu siêu lạnh này sang châu Âu và dẫn đến làn sóng cạnh tranh toàn cầu đối.

Thái Lan chưa rơi vào khủng hoảng nhiên liệu, nhưng tầm quan trọng của LNG trong hoạt động sản xuất điện ở quốc gia này đã làm tăng nguy cơ mất điện luân phiên.

Theo số liệu của chính phủ trong 4 tháng đầu năm, gần 2/3 lượng điện của quốc gia này được tạo ra từ khí đốt tự nhiên.

Rủi ro cũng trở nên trầm trọng hơn do nhu cầu tiêu thụ tăng cao sau khi ngành công nghiệp và du lịch Thái Lan phục hồi sau đại dịch COVID-19. 

Đáng chú ý, số liệu từ công ty năng lượng nhà nước PTT cho biết nguồn LNG nhập khẩu chiếm đến 1/5 lượng khí đốt được sử dụng để phát điện vào năm 2020. 

Tuy nhiên, cho đến nay, lượng nhập khẩu LNG của Thái Lan đã giảm 35% trong tháng 6 so với cùng kỳ tháng 5. Đại diện PTT cho biết họ đang cân nhắc hạn chế nhập khẩu LNG vì giá cao. 

Một quốc gia khác ở châu Á là Bangladesh đã và đang “hồi sinh” các nhà máy điện chạy bằng dầu nhiên liệu khi LNG nhập khẩu trở nên quá đắt. 

Chính phủ Thái Lan đã cắt giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhiên liệu nhập khẩu để hạ nhiệt tình hình. Lượng điện được sản xuất từ các nhiên liệu gây ô nhiễm mạnh hơn đã và đang tăng lên trong năm nay. Theo Bộ Năng lượng nước này, mức sử dụng động cơ diesel trong sản xuất điện 4 tháng đầu năm 2022 cao gấp 14 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặt khác, các nhà máy dầu khí tại Thái Lan đã đồng ý mỗi tháng đóng góp 8 tỷ baht (hơn 227 triệu USD) cho Quỹ Nhiên liệu dầu nhằm giúp Chính phủ Thái Lan bình ổn giá xăng, dầu trong nước. 

Thỏa thuận trên được đưa ra trong cuộc họp ngày 16/6 giữa đại diện các công ty lọc dầu và khí đốt với Ủy ban của Chính phủ - do Thủ tướng Prayut Chan-o-cha làm Chủ tịch, được giao nhiệm vụ giảm thiểu tác động của tình trạng giá nhiên liệu tăng và lạm phát. Cuộc họp đã thống nhất rằng các nhà máy lọc dầu diesel sẽ đóng góp 6 tỷ baht (170,3 triệu USD), trong khi các nhà máy lọc khí và benzen sẽ đóng góp 2 tỷ baht (56,7 triệu USD) mỗi tháng.

Theo Thư ký thường trực phụ trách vấn đề năng lượng Kulit Sombatsiri, các doanh nghiệp đã nhất trí hợp tác với chính phủ mà không cần đưa ra một thông báo cấp bộ. Ông Kulit nhấn mạnh: “Việc tăng tính thanh khoản của Quỹ Nhiên liệu dầu sẽ giúp giảm bớt gánh nặng tài chính trong cuộc khủng hoảng giá nhiên liệu, vì điều này có thể tiếp tục cung cấp khoản trợ cấp hằng tháng trị giá 20 tỷ baht (567 triệu USD)”. Ông lưu ý thêm rằng thỏa thuận này ngay lập tức sẽ giúp giảm giá chất benzen thêm 1 baht/lít.

Hoàng Trang/Báo Tin tức (Theo Bloomberg)
Người dân khắp thế giới ‘buốt ruột’ khi đổ xăng
Người dân khắp thế giới ‘buốt ruột’ khi đổ xăng

Charles Dupont, quản lý một cửa hàng quần áo ở vùng Essonne, phía nam Paris, cho biết: "Tôi tập kiểu ‘lái xe sinh thái’, nghĩa là đi chậm hơn và tránh phanh gấp". Những người khác thì cố gắng vận dụng tất cả những gì có thể để giảm tốc độ vơi xăng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN