Hậu quả Mỹ sẽ phải gánh chịu nếu cấm xuất khẩu dầu để hạ nhiệt giá xăng

Khi giá xăng trung bình của Mỹ vượt mức 5 USD/gallon, Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang tìm cách hạ nhiệt giá xăng đắt kỷ lục và lạm phát cao nhất trong 40 năm.

Chú thích ảnh
Một trạm xăng của BP ở Arlington, bang Virginia, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trang oilprice.com, chính quyền Mỹ đang xem xét tất cả các công cụ có thể giảm giá xăng dầu, nhưng tất cả những công cụ đó hoặc sẽ làm giảm giá rất ít hoặc thậm chí có thể phản tác dụng trong một thị trường toàn cầu đang khan hiếm nguồn cung.

Một trong những ý tưởng bị coi là thiển cận nhất trong bộ công cụ là lệnh cấm hoặc một số loại hạn chế xuất khẩu dầu Mỹ. Nhà Trắng chưa loại trừ khả năng sử dụng công cụ này.

Khi thị trường dầu mỏ và nhiên liệu bị thắt chặt trên toàn cầu, điều tồi tệ nhất mà Mỹ - nhà sản xuất dầu thô hàng đầu thế giới và một nhà xuất khẩu lớn các sản phẩm dầu mỏ tinh chế - có thể làm là hạn chế xuất khẩu. Việc rút khỏi thị trường dầu vào thời điểm này không những không làm giảm giá xăng ở Mỹ mà còn khiến giá dầu thô thậm chí còn cao hơn 120 USD/thùng hiện nay.

Do giá dầu thô là yếu tố lớn nhất quyết định giá xăng ở Mỹ (chiếm hơn 53% giá bán lẻ trung bình cho mỗi gallon), nên hạn chế xuất khẩu dầu không phải là câu trả lời thích hợp để phản ứng với giá xăng cao kỷ lục. Cấm xuất khẩu dầu với hy vọng làm giảm giá dầu ở Mỹ là điều không có tác dụng.

Tuy nhiên, Chính quyền của ông Biden vốn đang nỗ lực giảm giá xăng và lạm phát trước cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 đã không loại trừ ý tưởng này.

Khi được hỏi liệu chính phủ có xem hạn chế xuất khẩu dầu để giảm giá xăng hay không, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm cho biết vào cuối tháng trước rằng: “Tôi có thể xác nhận rằng Tổng thống không loại trừ công cụ nào”.

Các nhà phân tích năng lượng cho biết công cụ nào cũng có thể có tác động nhỏ trong giảm giá xăng ở Mỹ, nhưng cấm xuất khẩu dầu thực ra sẽ làm cho giá xăng tăng lên.

Ông Dan Eberhart, Giám đốc điều hành công ty dịch vụ mỏ dầu tư nhân Canary ở Mỹ, viết trên Forbes: “Can thiệp chính trị nhiều hơn không phải là giải pháp. Đừng quên rằng giá cả hàng hóa năng lượng được thiết lập trên thị trường toàn cầu. Và thế giới chứ không chỉ Mỹ đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng”.

Chú thích ảnh
Giá xăng niêm yết tại trạm xăng ở New York, Mỹ ngày 10/6/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Ông Frank Macchiarola, Phó chủ tịch cấp cao tại API, nhận định: “Hạn chế xuất khẩu năng lượng Mỹ sẽ chỉ tạo ra bất ổn hơn nữa trên thị trường, làm giảm vị trí lãnh đạo năng lượng của Mỹ và gây bất lợi nghiêm trọng cho các đồng minh của chúng ta”.

Một lý do nữa là không phải loại dầu thô nào cũng giống nhau. Các nhà máy lọc dầu ở Bờ Vịnh của Mỹ được thiết kế để chế biến dầu thô nặng hơn – loại dầu mà các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ không sản xuất. Dầu thô đá phiến nhẹ và ngọt. Đó là một trong những lý do tại sao Mỹ tiếp tục nhập khẩu dầu thô, kể cả từ các nhà sản xuất OPEC, mặc dù Mỹ là nước sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới, lớn hơn cả Saudi Arabia.

Theo EIA, Mỹ là nước xuất khẩu ròng xăng toàn phần vào năm 2020 và 2021, nhưng vẫn là nước nhập khẩu ròng dầu thô vào năm 2021 khi nhập khẩu khoảng 6,11 triệu thùng/ngày và xuất khẩu khoảng 2,9 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, một số dầu thô mà Mỹ nhập khẩu được các nhà máy lọc dầu Mỹ tinh chế thành các sản phẩm dầu mỏ - chẳng hạn như xăng, dầu sưởi, nhiên liệu diesel và nhiên liệu máy bay, rồi sau đó Mỹ sẽ xuất khẩu các sản phẩm này.

Ngay cả trước khi Nga đưa quân vào Ukraine và các lệnh trừng phạt Nga làm suy giảm thị trường dầu mỏ và nhiên liệu toàn cầu, các nhà kinh tế của Ngân hàng Dự trữ Liên bang chi nhánh Dallas, ông Garrett Golding và Lutz Kilian hồi tháng 1 cho rằng các nhà hoạch định chính sách có thể làm rất ít để giải quyết mối lo này. Họ cho rằng những lời kêu gọi cấm xuất khẩu dầu thô của Mỹ dường như phản tác dụng.

Hai nhà kinh tế nhận định: “Nói cách khác, giá xăng và nhiên liệu diesel ở Mỹ sẽ không giảm mà có thể thực sự tăng lên, khiến lệnh cấm xuất khẩu dầu thô không những không hiệu quả mà còn phản tác dụng. Do đó, không có lý do gì để kỳ vọng rằng người tiêu dùng Mỹ sẽ được hưởng lợi từ lệnh cấm như vậy”.

Ý kiến ​​này của các nhà kinh tế FED tại Dallas được công bố một tháng trước cuộc chiến ở Ukraine. Hạn chế xuất khẩu dầu của Mỹ lúc này sẽ gây ra một cú sốc khác cho thị trường và sẽ phản tác dụng, dẫn đến giá dầu thô kỷ lục.

Biện pháp đối phó với giá xăng cao không phải là cấm xuất khẩu dầu. Theo các chuyên gia, ở những thời điểm khủng hoảng như hiện nay, Mỹ cần các chính sách hỗ trợ để tăng sản xuất dầu mỏ và khí đốt tự nhiên.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Giá xăng quá cao khiến chính phủ các nước nghi ngờ và điều tra các công ty dầu
Giá xăng quá cao khiến chính phủ các nước nghi ngờ và điều tra các công ty dầu

Các chính phủ đang cắt giảm thuế xăng dầu để hạ giá. Vậy tại sao người mua xăng vẫn phải trả số tiền cao kỷ lục để đổ xăng?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN