Thư ký thường trực của Bộ Y tế Kiattiphum Wongrajit cho biết Bộ Y tế sẽ đề xuất nới lỏng một số yêu cầu đối với du khách trước khi lên đường tới Thái Lan tại cuộc họp của Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) vào ngày 18/3.
Ngày 16/3, ông Kiattiphum thông báo rằng theo các quy tắc nhập cảnh được đề xuất, khách du lịch theo chương trình “Test & Go” sẽ không còn bị yêu cầu xuất trình kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành đến Thái Lan. Du khách sẽ chỉ cần xét nghiệm RT-PCR khi đến và tự xét nghiệm kháng nguyên vào ngày thứ 5 sau khi đến. Ngoài ra, hạn mức bảo hiểm y tế cho du khách nước ngoài sẽ giảm từ ít nhất 50.000 USD xuống 10.000 USD.
Tại cuộc họp của CCSA, ông Kiattiphum cũng sẽ trình một kế hoạch chi tiết các bước để hạ cấp đại dịch COVID-19 xuống thành bệnh đặc hữu. Ông Kiattiphum cho biết việc hạ cấp COVID-19 thành một căn bệnh đặc hữu sẽ dẫn đến những thay đổi trong cách kiểm soát căn bệnh này và cách thức mà người dân sẽ được chăm sóc, trong khi các biện pháp xã hội và pháp lý được ban hành trong thời kỳ đại dịch sẽ được sửa đổi để phù hợp với hoàn cảnh hiện tại.
Cụ thể, Chính phủ sẽ thay thế sắc lệnh khẩn cấp được áp dụng để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh bằng Luật về các bệnh truyền nhiễm để chuẩn bị cho một xã hội hậu đại dịch. Tuy nhiên, Chính phủ cũng có thể phải chờ thông báo về việc hạ cấp COVID-19 xuống thành một bệnh đặc hữu từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Trước đó, Ủy ban quốc gia về các bệnh truyền nhiễm của Thái Lan đã phê duyệt kế hoạch quản lý COVID-19 theo 4 giai đoạn phù hợp với việc mở cửa trở lại toàn bộ đất nước và hạ cấp COVID-19 xuống thành một bệnh đặc hữu.
Kế hoạch cũng sẽ được thảo luận tại cuộc họp của CCSA vào ngày 18/3. Động thái này diễn ra sau khi các quốc gia láng giềng của Thái Lan bắt đầu nới lỏng các quy định nhập cảnh nhằm thu hút khách du lịch nước ngoài. Ông Kiattiphum nói rằng việc hạ cấp COVID-19 thành một bệnh đặc hữu và việc nới lỏng các hạn chế phải được tiến hành từng bước với điều kiện không có đột biến mới của virus gây ra mối đe dọa nghiêm trọng.
Theo kế hoạch hạ cấp COVID-19 thành một bệnh đặc hữu, giai đoạn đầu tiên được gọi là "chiến đấu" từ ngày 12/3 đến đầu tháng 4 nhằm mục đích làm phẳng đường cong dịch tễ. Trong giai đoạn này, khách du lịch đến theo chương trình “Test & Go” vẫn được yêu cầu làm xét nghiệm RT-PCR khi đến và xét nghiệm kháng nguyên vào ngày thứ 5 sau khi đến. Khách du lịch chưa được tiêm chủng sẽ bị cách ly trong 10 ngày. Những yêu cầu này sẽ vẫn có hiệu lực nếu có hơn 3% số người nước ngoài nhập cảnh bị nhiễm COVID-19.
Giai đoạn thứ hai, được gọi là "bình ổn", từ tháng 4 đến tháng 5, là để ổn định mức độ nhiễm bệnh. Khách du lịch đã được tiêm phòng đầy đủ có thể nhập cảnh mà không cần xuất trình kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính nhưng vẫn phải làm xét nghiệm RT-PCR khi đến và xét nghiệm kháng nguyên vào ngày thứ 5 sau khi đến. Khách du lịch chưa tiêm phòng phải cách ly 5 ngày. Những quy tắc này sẽ được thực thi với điều kiện các trường hợp nhiễm bệnh được phát hiện ở mức 1-3% tổng khách du lịch.
Giai đoạn thứ ba, được gọi là "giảm", từ cuối tháng 5 đến ngày 30/6, nhằm mục đích giảm số ca nhiễm mới hàng ngày xuống còn 1.000-2.000 ca. Khách du lịch đã được tiêm phòng đầy đủ có thể nhập cảnh mà không có yêu cầu gì. Những khách du lịch chưa được tiêm phòng cần phải làm xét nghiệm kháng nguyên khi đến. Chương trình “Test & Go” sẽ bị loại bỏ nhưng thẻ “Thailand Pass” vẫn còn được áp dụng. Những quy tắc này sẽ được thực thi nếu số ca nhiễm được phát hiện trong khách du lịch ở mức ít hơn 1%.
Giai đoạn thứ tư, được gọi là "hậu đại dịch", từ ngày 1/7 trở đi, sẽ chứng kiến đại dịch COVID-19 được hạ cấp xuống thành bệnh đặc hữu. Khách du lịch có thể nhập cảnh bất kể đã được tiêm phòng hay chưa.
Về tình hình COVID-19 ở Thái Lan, quốc gia Đông Nam Á này sáng 17/3 thông báo ghi nhận thêm 25.456 ca nhiễm mới cùng 77 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua. Đây là ngày có số ca tử vong được ghi nhận cao nhất trong làn sóng COVID-19 mới nhất hiện nay.