Thái Lan cân nhắc cấm ô tô cá nhân để giảm bớt ô nhiễm không khí

Chính phủ Thái Lan đang cân nhắc ban hành lệnh cấm ô tô cá nhân trong những khu vực bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí do bụi mịn bằng hoặc nhỏ hơn 2,5 micrometer (PM2.5) nếu lượng PM2.5 vượt quá mức 100 microgram/m3, gấp đôi ngưỡng an toàn.

Chú thích ảnh
Các phương tiện di chuyển trên đường phố Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Truyền thông sở tại cho biết biện pháp nghiêm ngặt này được Thủ tướng Prayut Chan-o-cha nêu lên sau cuộc họp nội các lưu động ở tỉnh Narathiwat, theo đó, chỉ các dịch vụ giao thông công cộng mới được phép hoạt động trên đường khi có lệnh cấm. Tuy nhiên, biện pháp này sẽ chỉ được áp dụng trên cơ sở từng trường hợp để tránh tác động tiêu cực không cần thiết.

Thủ tướng Prayut cũng giải thích quy trình trong xử lý tình trạng ô nhiễm không khí trên toàn quốc. Khi lượng bụi mịn PM2.5 ở ngưỡng an toàn tối đa cho phép là 50 microgram/m3, tất cả các cơ quan liên quan sẽ tăng cường sàng lọc các nguồn phát tán bụi, kể cả những phương tiện giao thông xả khói đen.

Theo Thủ tướng Prayut, khí thải từ các phương tiện giao thông là nguồn chủ yếu phát tán PM2.5, sau đó là tình trạng đốt chất thải nông nghiệp và khí thải công nghiệp. Chính phủ Thái Lan đã bắt đầu làm việc về một kế hoạch tổng thể lâu dài nhằm xử lý ô nhiễm, trong đó bao gồm cả phát triển mạng lưới đường sắt chạy điện và thay thế các xe buýt công cộng chạy diesel bằng xe chạy điện.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Varawut Silpa-archa cho biết rằng nếu các biện pháp chống xe tải xả khói đen không đủ để xử lý vấn đề, các xe ô tô cá nhân có thể sẽ là mục tiêu tiếp theo vì có tới 72% lượng bụi mịn PM2.5 là từ khí thải giao thông.

Từ đầu tháng này, nhiều vùng ở Thái Lan, đặc biệt là thủ đô Bangkok, đã bị bao trùm trong sương mù bụi mịn PM 2.5. Theo Cục Kiểm soát Ô nhiễm Thái Lan (PCD), tính đến 18 giờ ngày 21/1, lượng PM2.5 dao động ở mức 71 - 86 microgram/m3 tại một số khu vực ở Bangkok, trong khi mức độ cao nhất toàn quốc là 99 microgram/m3 được ghi nhận tại xã Na Phralan thuộc huyện Chaloem Phrakiat ở tỉnh Saraburi.

Trước thực trạng này, ngày 21/1, BMA đã công bố 4 biện pháp khẩn cấp nhằm đối phó với tình trạng ô nhiễm không khí gây ra bởi bụi mịn PM2.5 đang ngày càng trở nên trầm trọng.

Biện pháp thứ nhất là đề nghị tất cả cơ quan có chi nhánh ở Bangkok lùi giờ làm việc xuống 10h sáng và kết thúc vào 18h chiều nhằm giảm tắc nghẽn giao thông. Biện pháp này sẽ có hiệu lực cho đến khi cuộc khủng hoảng ô nhiễm không khí được giải quyết.

Biện pháp thứ hai là đóng cửa 437 trường công trong thành phố trong một ngày vào ngày 22/1 nhằm giảm số lượng phương tiện giao thông trên đường cũng như tác động đối với sức khỏe của trẻ em và thanh thiếu niên. Biện pháp này được cân nhắc đưa ra sau khi Cục Khí tượng Thái Lan nói rằng việc đóng cửa trường học trong 1 - 2 ngày có thể giúp giải quyết tình trạng chất lượng không khí kém. Các quan chức BMA sẽ phối hợp với các trường công để mở các lớp học bù vào cuối tuần hoặc vào những ngày khác tùy thuộc tình hình.

Biện pháp thứ ba là phân phát khẩu trang cho người dân. Người dân có thể ngay lập tức nhận được khẩu trang tại một trong 68 trung tâm y tế công cộng của thành phố, các trạm xe buýt hoặc ga tàu điện trên cao.

Còn biện pháp thứ tư là kêu gọi người dân tự bảo vệ mình bằng cách đeo khẩu trang khi rời khỏi các tòa nhà để ra ngoài trời.

Ngọc Quang (PV TTXVN tại Bangkok)
Bangkok áp dụng các biện pháp 'táo bạo' giải quyết ô nhiễm không khí
Bangkok áp dụng các biện pháp 'táo bạo' giải quyết ô nhiễm không khí

Theo phóng viên TTXVN tại Thái Lan, ngày 21/1, chính quyền vùng đô thị Bangkok (BMA) đã công bố 4 biện pháp khẩn cấp nhằm đối phó với tình trạng ô nhiễm không khí gây ra bởi bụi mịn bằng hoặc nhỏ hơn 2,5 micrometer (PM2.5) đang trở nên trầm trọng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN