Ủy ban bầu cử Thái Lan (ECT) cho biết các ứng cử viên có thể lấy các tài liệu và biểu mẫu đăng ký tranh cử tại các văn phòng quận ở thủ đô Bangkok và các văn phòng đăng ký cấp tỉnh trên toàn quốc từ 8h30 đến 16h30 hằng ngày. Theo quy định do ECT ban hành, ứng cử viên chỉ được giới thiệu bản thân với các ứng cử viên khác bằng poster khổ A4 và không được công khai. Các ứng cử viên cũng không được phép trả lời phỏng vấn truyền thông.
Thời hạn nộp đơn sẽ được công bố vào ngày 13/5, với các cuộc bầu cử ở cấp huyện, cấp tỉnh và cấp quốc gia sẽ lần lượt được tổ chức vào ngày 9/6, 16/6 và 26/6. Kết quả bầu cử sẽ được công bố vào ngày 2/7.
Theo Hiến pháp Thái Lan năm 2017, Thượng viện mới sẽ bao gồm 200 thành viên và không do người dân trực tiếp bầu ra. Các ứng viên sẽ bỏ phiếu với nhau theo 3 giai đoạn - cấp huyện, cấp tỉnh và cấp quốc gia.
Mặc dù nhiệm kỳ của các thượng nghị sĩ hiện nay đã hết hạn vào ngày 10/5, nhưng họ vẫn tại vị và giữ quyền giám sát chính phủ, thông qua các dự luật lập pháp và bổ nhiệm các cơ quan độc lập cho đến khi Thượng viện tiếp theo nhậm chức.
Khác với Thượng viện hiện tại, Thượng viện mới sẽ không được đồng bầu thủ tướng, nhưng vẫn giữ các quyền hạn nói trên.
Chủ tịch Thượng viện Pornpetch Witchitcholchai cho biết Thượng viện hiện tại đã thông qua 53 dự luật lập pháp trong 5 năm qua, đồng bầu 2 thủ tướng (ông Prayut Chan-o-cha và ông Srettha Thavisin) và bác bỏ một ứng cử viên thủ tướng (ông Pita Limjaroenrat của đảng Tiến bước).