Thách thức khi thuyết phục người dân dùng vaccine ngừa COVID-19

Giới chuyên gia y tế cho biết tốc độ phát triển vaccine ngừa COVID-19 đang diễn ra quá nhanh, có thể khiến dư luận không khỏi lo lắng khi sử dụng chúng.

Chú thích ảnh
Kỹ thuật viên thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 tại phòng thí nghiệm của Đại học Oxford, Anh. Ảnh: AP/TTXVN

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), sự do dự trong sử dụng vaccine ngừa COVID-19 có thể đẩy xa cơ hội tái mở cửa các cộng đồng.

Julia Wei – một người mẹ có con gái 6 tuổi sinh sống tại Thượng Hải (Trung Quốc) – luôn theo dõi sát sao tin tức về tình hình phát triển vaccine. Là một người thường xuyên ra ngoài tiếp xúc và hoạt động kinh doanh, Wei tin rằng vaccine hiệu quả sẽ là chìa khóa để xã hội và nền kinh tế quay trở lại bình thường.

Tuy nhiên, bất chấp tiến độ phát triển vaccine đang rất khả quan, 4 trong số 7 ứng viên vaccine của Trung Quốc đang được thử nghiệm về độ an toàn và hiệu quả, Wei cho biết cô và con gái có thể không tình nguyện tiêm vaccine. Vaccine ngừa COVID-19 có thể sẽ sớm xuất hiện vao cuối năm nay hoặc đầu năm sau.

“Tôi đọc báo và được biết quy trình phát triển một loại vaccine thường mất đến nhiều năm, nhưng đối với dịch bệnh COVID-19, họ chỉ mất vài tháng. Điều đó là quá nhanh – và tôi không muốn trở thành chuột thí nghiệm. Tôi sẽ chỉ đợi cho đến khi nào biết chắc chúng an toàn và hiệu quả”, Wei cho hay.

Wei không phản đối việc tiêm vaccine. Như bao gia đình khác, con gái cô cũng đang được tiêm các loại vaccine miễn phí của chính phủ cũng như một số loại không thuộc chương trình tiêm chủng của Trung Quốc mà Wei cho là cần thiết.

Tuy nhiên, nỗi lo lắng của những người như cô Wei đang dập tắt hy vọng về việc tiêm vacicne và cho phép xã hội đạt được “miễn dịch cộng đồng”.

Tâm lý do dự trong sử dụng vaccine cũng xuất hiện ở các nước khác. Trong một cuộc khảo sát do Gallup công bố vào tháng này, hơn 35% người Mỹ cho biết họ không muốn tiêm, ngay cả khi vaccine ngừa COVID-19 đó được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chấp thuận và cấp miễn phí.

Một cuộc khảo sát khác của Viện Angus Reid ở Canada cho thấy khoảng 32% những người tham gia đã bày tỏ tâm lý do dự, trong khi 14% khác nói rằng họ sẽ không tiêm vaccine.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 trên tình nguyện viên tại Soweto, Nam Phi ngày 24/6. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngay cả trước khi bùng phát cuộc khủng hoảng COVID-19, năm ngoái, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chỉ ra tình trạng do dự trong tiêm chủng nói chung là một trong 10 mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe toàn cầu. Có thể lấy ví dụ là số ca mắc bệnh sởi tăng vọt trên toàn cầu. Mặc dù không phải tất cả các trường hợp này đều không tiêm vaccine, nhưng một số quốc gia trước đó đã gần như loại bỏ căn bệnh này nay chứng kiến bệnh bùng phát trở lại.

Các chuyên gia vaccine cho biết họ hiểu vì sao một số người do dự, nhưng cũng khuyên họ không nên quá lo lắng về tiến độ phát triển loại thuốc này.

Theo Giáo sư dược Wilbur Chen làm việc tại Đại học Dược Maryland (Mỹ), không có bằng chứng nào cho thấy có sự cắt bớt quy trình trong việc phát triển và xin giấy phép vaccine ngừa COVID-19. 

“Mọi người không nên quá lo lắng về mức độ an toàn hay hiệu quả của vaccine ngừa COVID-19 nếu như chúng được thông qua và cấp giấy phép dựa trên những quy định của FDA’, Giáo sư Chen khẳng định.

Ông Chen giải thích mặc dù vẫn có những tác dụng phụ ngoài ý muốn hiếm hoi được phát hiện sau khi vaccine được cấp giấy phép, nhưng điều này không chỉ xảy ra đối với mỗi vaccine ngừa COVID-19 mà còn với mọi loại vaccine.

Trong khi đó, Stephen Evans – Giáo sư dược lý học tại Đại học Y học Nhiệt đới London (Anh) – chia sẻ ông có thể hiểu được vì sao mọi người lo lắng nhưng ông tin rằng các nhà làm luật ở Anh hay Liên minh châu Âu (EU) sẽ không thông qua vaccine mà không có bằng chứng thuyết phục về tính hiệu quả, rằng thực sự nó có thể ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan thay vì chỉ kích hoạt hệ thống miễn dịch.

Ngoài sự không tin tưởng vào các chính phủ và các đơn vị tiêm chủng, một số người trong ngành giải thích tâm lý do dự của người dân còn xuất phát từ quan điểm không có gì đảm bảo vaccine bảo vệ họ trước COVID-19. Hiệu quả mục tiêu của vaccine ngừa COVID-19 tại Trung Quốc, Mỹ và theo hướng dẫn của WHO chỉ là 50%, tương tự như vaccine phòng cúm mùa. Nếu giống vaccine phòng cúm mùa, mọi người có thể nghĩ rằng không đáng tiêm.

Nhưng theo các chuyên gia, việc tiêm phòng không chỉ quan trọng để bảo vệ bản thân mà còn cho cả cộng đồng. Khi dân số đạt được tỷ lệ nhất định trong miễn dịch với một bệnh truyền nhiễm qua vaccine, điều này sẽ tạo ra một lá chắn. Khi xuất hiện người bệnh, mầm bệnh sẽ không thể lây lan trong cộng đồng và từ đó bảo vệ những người chưa tiêm chủng hoặc những người có hệ miễn dịch suy yếu.

Giáo sư Chen cho hay ngay cả khi một vaccine chỉ có mức độ hiệu quả khiêm tốn, việc sử dụng nó vẫn có thể giúp ích cho cộng đồng.

“Nhiều người dùng vaccine hơn sẽ cải thiện mức độ hiệu quả ngừa bệnh trong xã hội. Vì vậy, sự do dự dùng vaccine - hoặc thậm chí không duy trì khoảng cách giãn cách, không đeo khẩu trang và vệ sinh tay chân - sẽ gây ra trở ngại hoặc khiến quá trình mở cửa an toàn trở lại chậm trễ”, Giáo sư Chen kết luận.

“Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người”

Link tải về ứng dụng Bluezone: trên Android; trên iOS
Xem hướng dẫn cài Bluezone tại đây
Bảo Hà/Báo Tin tức
WHO kêu gọi chấm dứt tình trạng 'chủ nghĩa dân tộc vaccine'
WHO kêu gọi chấm dứt tình trạng 'chủ nghĩa dân tộc vaccine'

Nhằm đảm bảo nguồn cung vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nhiều nước đang đặt lợi ích của mình lên trên những nước khác và điều này đang khiến cuộc khủng hoảng y tế hiện nay do dịch bệnh COVID-19 gây ra trở nên tồi tệ hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN