Theo hãng tin RT, video quảng cáo được đăng trên trang web do Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RFPI) tạo ra, sử dụng hình ảnh đồ họa máy tính mô tả virus SARS-CoV như một con quái vật khổng lồ xâm chiếm hành tinh. Sau đó, virus này đã bị một "vệ tinh" mang tên Sputnik V tiêu diệt.
Video: Nga quảng bá vaccine ngừa COVID-19 (Nguồn: RT):
Đoạn video được tung ra gần một tuần sau khi Nga công bố đã phát triển thành công vaccine phòng COVID-19 đầu tiên được phê chuẩn trên thị trường quốc tế. “Sputnik” cùng tên vệ tinh đầu tiên trên thế giới do Liên Xô phóng lên.
Tên chính thức của loại vaccine Sputnik V là “Gam-COVID-Vak”. Loại vaccine này đã được thử nghiệm trước đó và được phê duyệt chỉ sau 2 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Ngoại lệ này được đưa ra do mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu. Tuy nhiên, điều này đã khiến một số quan chức chính phủ nước ngoài và các chuyên gia y tế chỉ trích Moskva và cho rằng Nga đang "đốt cháy giai đoạn" trong việc phát triển vaccine.
Ông Aleksander Gintsburg, Giám đốc Viện Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật học Gameleya, hôm 16/8 cho biết giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ ba vẫn sẽ được tiến hành trên quy mô hàng nghìn tình nguyện viên.
Ông Gintburg cũng lưu ý vaccine Sputnik V dự kiến sẽ không được đưa vào tiêm đại trả cho dân chúng trước tháng 1/2021 vì phải mất từ 4 đến 5 tháng để theo dõi thêm về hiệu quả cũng như bất kỳ phản ứng nào có thể xảy ra.
“Chúng tôi sẽ nộp bản quy trình thử nghiệm sau khi đăng ký đầu tiên vào ngày 17/8. Với sự quan tâm của dư luận và truyền thông, tôi tin rằng Bộ Y tế Nga sẽ xử lý nhanh chóng và phê duyệt đề xuất trong vòng một tuần. Vì vậy, từ 7 đến 10 ngày nữa, quá trình thử nghiệm giai đoạn ba sẽ được tiến hành”, ông Gintsburg cho biết.
Vaccine Sputnik-V do Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia về dịch tễ học và vi sinh vật Gamaleya phối hợp với Bộ Quốc phòng phát triển đã được sản xuất hàng loạt tại nhà máy dược Binnopharm. Số lượng vaccine được sản xuất trong 12 tháng đầu dự kiến đạt 500 triệu liều. Cơ quan này khẳng định vaccine đã trải qua tất cả các cuộc kiểm tra cần thiết và được chứng minh có khả năng xây dựng hệ thống miễn dịch chống nCoV.
Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cho biết vaccine sẽ được ưu tiên sử dụng để đáp ứng nhu cầu trong nước, nhưng không loại trừ khả năng xuất khẩu. Ông cũng lưu ý những lời chỉ trích mà vaccine Sputnik-V nhận được từ bên ngoài là vô căn cứ và xuất phát từ động cơ sợ cạnh tranh công bằng.