Theo hãng tin Reuters (Anh), Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã đưa ra đề xuất trên tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15 diễn ra ở Johannesburg (Nam Phi) hôm 23/8. Tuy nhiên, giới chức và các nhà kinh tế đã chỉ ra những khó khăn liên quan đến ý tưởng này, do sự chênh lệch về kinh tế, chính trị và địa lý giữa các nước thành viên Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.
Tại sao Tổng thống Brazil muốn tạo ra đồng tiền BRICS?
Tổng thống Brazil không tin rằng các quốc gia không sử dụng đồng USD sẽ buộc phải giao dịch bằng đồng tiền nội tệ. Ông cũng ủng hộ việc sử dụng một loại tiền tệ chung trong Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR).
Trong phiên họp toàn thể khai mạc hội nghị thượng đỉnh BRICS, ông Lula da Silva nói rằng đồng tiền BRICS sẽ “thúc đẩy các lựa chọn thanh toán và giảm bớt các điểm yếu của các thành viên”.
Quan điểm của các nhà lãnh đạo BRICS khác
Tuy nhiên, giới chức Nam Phi cho biết đồng tiền BRICS không nằm trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh.
Hồi tháng 7, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ cho biết nước này chưa có ý tưởng gì về đồng tiền BRICS. Song trước khi lên đường tham dự hội nghị thượng đỉnh, nhà ngoại giao này nói rằng việc thúc đẩy thương mại bằng đồng nội tệ sẽ được thảo luận tại sự kiện.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng nói rằng hội nghị BRICS sẽ thảo luận về việc chuyển đổi thương mại giữa các nước thành viên từ đồng USD sang đồng nội tệ. Ông Putin tham dự hội nghị trực tuyến.
Trung Quốc chưa bình luận về ý tưởng này. Song tại hội nghị thượng đỉnh, Chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi thúc đẩy “cải cách hệ thống tài chính tiền tệ quốc tế”.
Thách thức của việc tạo ra đồng tiền BRICS
Phát biểu với một đài phát thanh vào tháng 7, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nam Phi Lesetja Kganyago nói rằng việc tạo ra đồng tiền BRICS sẽ là một “dự án chính trị”.
“Nếu muốn thực hiện điều đó, các nước thành viên sẽ phải xây dựng một liên minh ngân hàng, liên minh tài chính và sự hội tụ kinh tế vĩ mô. Điều quan trọng là cần có một cơ chế kỷ luật đối với những quốc gia không tuân thủ. Thêm vào đó, BRICS sẽ cần một ngân hàng trung ương chung. Ngân hàng này sẽ được đặt ở đâu?”, ông Kganyago bình luận.
Ông Herbert Poenisch, thành viên cấp cao tại Đại học Chiết Giang, đã viết trên blog của tổ chức nghiên cứu OMFIF rằng sự mất cân bằng thương mại cũng là một vấn đề. Theo ông, tất cả các nước thành viên BRICS đều có Trung Quốc là đối tác thương mại chính và có một chút giao thương với nhau.
Sự thống trị của đồng USD có phải là trở ngại?
Các nhà lãnh đạo BRICS cho biết họ muốn sử dụng đồng nội tệ nhiều hơn thay vì đồng USD. Ý tưởng này đã được thúc đẩy vào năm ngoái, trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất và Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, khiến nợ bằng đồng USD và nhiều mặt hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn.
Ngoài ra, việc Nga bị loại khỏi hệ thống tài chính toàn cầu do các lệnh trừng phạt hồi năm ngoái cũng làm dấy lên suy đoán rằng các đồng minh ngoài phương Tây sẽ xa lánh đồng USD.
Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh hôm 22/8, Tổng thống Putin cho biết đồng USD đang mất đi vai trò toàn cầu trong một quá trình “khách quan và không thể đảo ngược”. Ông tuyên bố quá trình phi đô la hóa đang “đạt được động lực”.
Theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, trong quý cuối cùng của năm 2022, tỷ lệ dự trữ ngoại hối chính thức của đồng bạc xanh đã giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm ở mức 58% và 47% khi được điều chỉnh theo thay đổi tỷ giá hối đoái. Tuy nhiên, đồng USD vẫn thống trị thương mại toàn cầu. Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, loại tiền tệ này đang được thực hiện trong gần 90% giao dịch ngoại hối toàn cầu.
Do đó, giới chuyên gia nhận định nỗ lực phi đô la hóa sẽ cần vô số nhà xuất khẩu và nhập khẩu, cũng như bên đi vay, cho vay và nhà giao dịch tiền tệ trên toàn thế giới, tham gia quyết định sử dụng các loại tiền tệ khác một cách độc lập.