BRICS tăng cường kết nối để vượt qua các thách thức toàn cầu

Trung Quốc hôm 22/8 đã lên tiếng ủng hộ kế hoạch mở rộng Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS, khi nhóm này đang tìm cách khẳng định ảnh hưởng chính trị và kinh tế của mình trên trường toàn cầu.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa, trái) và Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa (giữa, phải) tại cuộc hội đàm ở Pretoria ngày 22/8/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15 được tổ chức tại Johannesburg, Nam Phi, từ ngày 22 -24/8 (giờ địa phương). Các quốc gia thành viên BRICS hiện gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.

Trong bài phát biểu do Bộ trưởng Thương mại Vương Văn Đào thay mặt đọc khi bắt đầu hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Nam Phi, Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng các cuộc đàm phán diễn ra ở Johannesburg không nhằm mục đích "yêu cầu các nước đứng về phía nào hoặc tạo ra sự đối đầu giữa các khối, mà là để mở rộng kiến trúc hòa bình và phát triển".

Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp BRICS 2023 thông qua kênh trực tuyến, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định các nước BRICS đang tiếp tục tăng cường hợp tác trong bối cảnh diễn ra nhiều thách thức kinh tế từ bên ngoài.  .

Ông chỉ trích cho các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã ảnh hưởng "nghiêm trọng" đến tình hình kinh tế toàn cầu, thông qua việc “vi phạm tất cả các chuẩn mực và quy tắc cơ bản của thương mại tự do và đời sống kinh tế".

Tổng thống Nga nhấn mạnh điều quan trọng là các quốc gia thành viên BRICS cần tiếp tục tăng cường hợp tác, khẳng định các hành động chung của khối nhằm đảm bảo tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững đã tạo ra những kết quả cụ thể, hữu hình.

Ông Putin nói rằng hợp tác trong BRICS dựa trên các nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Đây là "bản chất" của lộ trình chiến lược trong tương lai của khối và đáp ứng lợi ích của đa số người dân trên toàn cầu.

Theo Tổng thống Putin, đầu tư giữa các nước BRICS đã tăng gấp sáu lần trong thập kỷ qua. Kim ngạch thương mại của Nga với các đối tác BRICS hiện đã đạt kỷ lục hơn 230 tỷ USD.

Tổng thống Nga chỉ ra thêm rằng quá trình phi đô la hóa không thể đảo ngược đã đạt dần đạt được động lực. Các nước BRICS đang tích cực nỗ lực thiết lập các cơ chế hiệu quả để giải quyết hoạt động thanh toán với nhau cũng như kiểm soát tiền tệ và tài chính.

Ông Putin cũng thảo luận về tầm quan trọng của việc thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực, bao gồm vận tải và hậu cần, kinh doanh và biến đổi khí hậu.

Đại diện cho 40% dân số thế giới và các quốc gia ở các mức độ tăng trưởng kinh tế khác nhau, BRICS khẳng định có chung mong muốn về một trật tự toàn cầu phản ánh tốt hơn lợi ích và ảnh hưởng ngày càng tăng của những nước này.

BRICS cũng đang ủng hộ ngân hàng phát triển của riêng mình như một giải pháp thay thế cho Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đồng thời đề xuất giảm việc sử dụng đồng USD trong thương mại toàn cầu.

Phía BRICS cũng cho biết hơn 40 quốc gia đã thể hiện sự quan tâm đến việc tham gia nhóm này. Các nước đa phần đến từ “Nam toàn cầu”, một thuật ngữ rộng nói tới các nước đang phát triển và kém phát triển ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh.

H.Thủy/TTXVN (Tổng hợp)
Nguyên nhân khiến Mexico không muốn gia nhập BRICS
Nguyên nhân khiến Mexico không muốn gia nhập BRICS

Chuyên gia cho rằng Mexico không có lợi khi gia nhập BRICS do phụ thuộc vào thị trường Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN