Hãng thông tấn Nga RIA Novosti ngày 22/8 dẫn nhận định của Tiến sĩ khoa học kinh tế Victor Aramburu Cano, Giáo sư tại Viện Công nghệ Monterrey cho rằng việc Chính phủ Mexico từ chối nối lại quan hệ với các nước BRICS (gồm Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Nam Phi và Brazil) chủ yếu là do nước này phụ thuộc nhiều vào thị trường và đầu tư của Mỹ. Ngoài ra, quốc gia Mỹ Latinh này còn được hưởng lợi từ cuộc cạnh tranh kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra.
"Tổng thống López Obrador bác bỏ khả năng Mexico sẽ gia nhập BRICS và từ chối tham gia hội nghị thượng đỉnh của khối. Điều này chủ yếu là do Mexico phụ thuộc nhiều vào Mỹ về thương mại và đầu tư. Thật không may, vấn đề địa lý là định mệnh. Do đó, Mexico càng muốn đa dạng hóa quan hệ thương mại của mình bao nhiêu thì điều đó dường như càng gây khó khăn bấy nhiêu", ông Cano nói.
Theo Giáo sư Cano, 85% hàng xuất khẩu và 42% hàng nhập khẩu của Mexico đến từ Mỹ. Đổi lại, Trung Quốc cung cấp cho Mexico 18,7% hàng nhập khẩu và chỉ 1,8% hàng xuất khẩu. Đồng thời, mâu thuẫn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có lợi cho Mexico.
“Điều này (việc gia nhập BRICS về mặt ngoại thương) không có lợi cho Mexico. Ngoài ra, cạnh tranh địa chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ, đặc biệt là sự phân tách giữa hai nền kinh tế của họ, đã mang lại lợi ích to lớn cho Mexico - đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt là từ Mỹ, đã tăng trưởng đáng kể và xuất khẩu sang nước này đang ở mức kỷ lục", Tiến sĩ Cano giải thích.
Như vậy, lập trường của Mexico và các quốc gia khác thuộc khu vực Mỹ Latinh, những quốc gia bày tỏ mong muốn gia nhập nhóm BRICS, có sự khác biệt đáng kể. Hiện BRICS có 1 thành viên ở khu vực này là Brazil cũng như các đối tác đối thoại như Argentina, Bolivia và Venezuela.
Ở Trung Mỹ, Honduras nổi bật trong nhóm các quốc gia quan tâm đến việc gia nhập BRICS. Tuy nhiên theo Tiến sĩ Cano, vị trí của quốc gia Trung Mỹ này tương tự như Mexico, với Mỹ là đối tác thương mại chính, cung cấp một nửa kim ngạch xuất khẩu cho họ, vì vậy việc hội nhập với các nước BRICS cũng có vẻ khó khăn.