Hệ thống THAAD được vận chuyển tới Seongju, Hàn Quốc ngày 1/5. Ảnh: EPA/TTXVN |
Thỏa thuận hoán đổi tiền tệ giữa Hàn Quốc và Trung Quốc được khởi xướng năm 2009 với giá trị 32.000 tỷ won (27 tỷ USD) và sau đó được nâng lên 64.000 tỷ won vào năm 2011.
Trong thời gian qua, Trung Quốc đã tiến hành một loạt các biện pháp trả đũa kinh tế nhằm vào Hàn Quốc, trong đó áp đặt lệnh cấm người dân trong nước đi du lịch Hàn Quốc để phản đối việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối của Mỹ tại Hàn Quốc (THAAD).
Mặc dù Bắc Kinh đã giảm bớt thái độ thù địch đối với Hàn Quốc sau khi Tổng thống Moon Jae-in nhậm chức, song một số người dân Hàn Quốc lo ngại căng thẳng ngoại giao giữa hai nước có thể sẽ cản trở thỏa thuận hóa đổi tiền tệ này. Trước đó, trong cương lĩnh tranh cử của mình, ông Moon đã chỉ trích thỏa thuận triển khai THAAD giữa Hàn Quốc và Mỹ, nhưng cho biết Seoul sẽ không đảo ngược lại thỏa thuận này.
Trong báo cáo trình Quốc hội, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc cho biết: “Hai nước sẽ tiến hành đàm phán vào thời điểm phù hợp để kéo dài thỏa thuận mà sẽ hết hiệu lực vào tháng Mười. Quá trình đàm phán có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi các vấn đề chính trị và ngoại giao, nhất là căng thẳng giữa hai nước liên quan THAAD. Do đó, chúng ta sẽ triển khai các bước đi thận trọng”.
Hàn Quốc đang muốn tận dụng các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với các nước khác để xử lý vấn đề thanh toán trong giao dịch thương mại nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng USD.
Hiện tại, Hàn Quốc đang triển khai các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với Trung Quốc, Malaysia, Australia, Indonesia và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất, với tổng giá trị lên tới 122,2 tỷ USD.
Trong khi đó, thỏa thuận hóa đổi tiền tệ song phương với Nhật Bản đã hết hiệu lực vào năm 2015 nhưng Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn chưa tiến hành đàm phán về một thỏa thuận hóa đổi tiền tệ mới, do phía Nhật Bản đã hủy các cuộc đàm phán với Hàn Quốc vì lý do ngoại giao.