Theo đài CNN, ông Serhii Bratchuk, phát ngôn viên của chính quyền quân sự Odesa, cho biết hai quả tên lửa đã bắn trúng cơ sở hạ tầng của cảng và hai tên lửa khác bị phòng không Ukraine bắn hạ.
Hãng tin AP cũng dẫn nguồn Bộ chỉ huy miền Nam của quân đội Ukraine cho biết, hai tên lửa hành trình Kalibr của Nga đã bắn trúng cơ sở hạ tầng của cảng Odesa và hệ thống phòng không Ukraine bắn hạ hai tên lửa khác. Phát ngôn viên Bộ chỉ huy miền Nam Nataliya Humenyuk cho biết không có cơ sở lưu trữ ngũ cốc nào bị ảnh hưởng và chưa có báo cáo về thương vong.
Đài CNN dẫn thông tin từ nghị sĩ Ukraine Oleksiy Goncharenko cho biết, ít nhất 6 vụ nổ đã được nghe thấy ở Odesa trong ngày 23/7.
Trong khi đó, một phát ngôn viên quân đội Ukraine cho trang Dailymail hay, những quả tên lửa hành trình Kalibr đã nhằm vào một nhà máy xử lý ngũ cốc trong buổi sáng 23/7, nhưng "không gây thiệt hại nghiêm trọng".
Hiện chưa có thông tin phản hồi từ Moskva trước những cáo buộc từ Ukraine về vụ tấn công nói trên.
Vụ việc diễn ra một ngày sau khi các bộ trưởng của cả Ukraine và Nga ký thỏa thuận - do Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian tại Istanbul - cho phép xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng Biển Đen của Ukraine nhằm hạ nhiệt cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu do ảnh hưởng của cuộc xung đột ở Ukraine.
Video được cho là hiện trường vụ tấn công tên lửa vào cảng Odesa ngày 23/7 (Nguồn: D.M)
Theo AP, Văn phòng của Tổng thư ký Liên hợp quốc Guterres cho biết người đứng đầu Liên hợp quốc đã "lên án dứt khoát" các cuộc tấn công.
Đại sứ Mỹ tại Ukraine, Bridget A. Brink, gọi vụ tấn công tên lửa của Nga vào thành phố cảng Odesa của Ukraine là "thái quá", nói rằng Điện Kremlin tiếp tục "vũ khí hóa" lương thực và phải chịu trách nhiệm.
Đại diện Cấp cao về Đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết Liên minh "lên án mạnh mẽ" vụ tấn công. "Việc tấn công mục tiêu quan trọng với xuất khẩu ngũ cốc một ngày sau khi ký thoả thuận Istanbul là điều đặc biệt đáng trách”, ông Borrell viết trên Twitter ngày 23/7.
Cho đến nay, Nga đã ngăn chặn việc tiếp cận đường biển vào cảng Odesa và các cảng bên Biển Đen của Ukraine. Hàng triệu tấn ngũ cốc của Ukraine bị ùn ứ, không xuất khẩu được sang nhiều quốc gia lệ thuộc vào nguồn lương thực này.
Trong khi đó, Moskva đã phủ nhận trách nhiệm về cuộc khủng hoảng cung cấp lương thực, đổ lỗi cho các lệnh trừng phạt của phương Tây làm chậm xuất khẩu lương thực và phân bón của chính họ và đổ lỗi cho Ukraine vì đã gài mìn xung quanh các cảng Biển Đen của chính mình.
Nga và Ukraine ngày 22/7 đã ký một thỏa thuận mang tính bước ngoặt với Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ về việc nối lại các chuyến hàng ngũ cốc trong nỗ lực xoa dịu cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, đẩy hàng triệu người phải đối mặt với nạn đói.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Ukraine Oleksandr Kubrakov đã ký các thỏa thuận riêng biệt nhưng giống hệt nhau với các quan chức Liên hợp quốc (LHQ) và Thổ Nhĩ Kỳ về việc mở lại các tuyến đường hàng hoá trên Biển Đen.
Cả Nga và Ukraine đều là những nước xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới, và việc phong tỏa ở Biển Đen đã khiến giá ngũ cốc tăng chóng mặt. Thỏa thuận trên nhằm mục đích giúp ngăn chặn nạn đói bằng cách cung cấp thêm lúa mì, dầu hướng dương, phân bón và các sản phẩm khác vào thị trường thế giới, bao gồm cả phục vụ nhu cầu nhân đạo. Thoả thuận hướng tới đạt được mức trước chiến tranh là 5 triệu tấn ngũ cốc xuất khẩu mỗi tháng.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết thoả thuận vừa ký kết sẽ mở đường cho xuất khẩu lương thực thương mại từ ba cảng quan trọng của Ukraine là Odesa, Chernomorsk và Yuzhny. Theo ông Guterres, sẽ có một Trung tâm Kiểm soát Chung (JCC) ở Istanbul, có nhiệm vụ lên lịch và giám sát các chuyến hàng. Biên chế của JCC sẽ là các quan chức của LHQ và có thể là các quan chức quân sự của ba quốc gia liên quan.
Mặc dù Ukraine đã gài mìn các vùng biển gần các cảng như một phần của biện pháp phòng thủ, nhưng họ không cần phải gỡ mìn nữa. Thay vào đó, các hoa tiêu Ukraine sẽ hướng dẫn các tàu di chuyển dọc theo các hành lang an toàn trong lãnh hải của họ, với một tàu quét mìn có mặt khi cần thiết nhưng không có quân đội hộ tống.
Được giám sát bởi JCC, các con tàu sau đó quá cảnh Biển Đen đến eo biển Bosphorus của Thổ Nhĩ Kỳ và đi ra các thị trường thế giới.
Tất cả các bên đã nhất trí rằng sẽ không có cuộc tấn công nào nhằm vào các thực thể này. Nếu một hoạt động bị cấm được phát hiện, JCC sẽ có nhiệm vụ xử lý vụ việc.
Trước những lo ngại của Nga về nguy cơ các tàu giao vũ khí cho Ukraine, tất cả các tàu trở về sẽ được một nhóm với đại diện của tất cả các bên kiểm tra tại cảng Thổ Nhĩ Kỳ và có sự giám sát của JCC. Các nhóm kiểm tra sẽ lên tàu và thẩm định hàng hóa trước khi tàu có thể trở về Ukraine.