Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 28/5, người phụ trách y tế vùng Valencia, bà Ana Barcelo cho biết hiện chưa rõ chính xác các du khách này đến Valencia theo tuyến đường nào, hay đi bằng máy bay hoặc ô tô. Họ được cho là có thể đã không tuân thủ lệnh cách ly bắt buộc trong 2 tuần sau khi tới Tây Ban Nha. Bà Barcelo không tiết lộ quốc tịch của hai du khách này.
Với trên 27.000 ca tử vong trong tổng số trên 280.000 ca mắc COVID-19 tính đến nay, Tây Ban Nha nằm trong số những nước châu Âu chịu tác động mạnh nhất của dịch COVID-19. Sau khi Tây Ban Nha đóng cửa biên giới và áp đặt lệnh phong tỏa trên toàn quốc vào ngày 24/3, số ca nhiễm nhập khẩu đã "vắng bóng" tại nước này.
Nằm trên bờ Địa Trung Hải, vùng Valencia có các điểm nghỉ mát nổi tiếng như Benidorm và Alicante. Ngày 1/6 tới, giới chức vùng sẽ chuyển sang giai đoạn 2 trong tiến trình nới lỏng lệnh phong tỏa gồm 4 giai đoạn, theo đó cho phép tổ chức các cuộc tụ tập có tới 15 người tham gia và dỡ bỏ một số hạn chế đối với việc đi lại.
* Cùng ngày, Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven cho biết các trường trung học phổ thông ở nước này sẽ mở cửa trở lại vào ngày 15/6 sau khi tạm ngừng công tác giảng dạy từ giữa tháng 3 nhằm ngăn chặn dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Theo Thủ tướng Lofven, từ ngày 15/6, hoạt động giảng dạy bình thường được nối lại tại các trường trung học phổ thông, trong khi các trường khác như cao đẳng, dạy nghề và đại học vẫn phải đóng cửa trong một thời gian lâu hơn.
Mặc dù duy trì các biện pháp phòng ngừa dịch COVID-19 tái bùng phát, Thụy Điển vẫn lựa chọn cách tiếp cận tự do hơn so với các nước châu Âu khác như cho phép phần lớn các trường học, nhà hàng và cơ sở kinh doanh mở cửa trong thời gian dịch bệnh bùng phát.
Tính đến thời điểm hiện tại, Thụy Điển ghi nhận 36.476 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 và 4.350 ca tử vong. Số ca tử vong do COVID-19 ở Thụy Điển cao gấp nhiều lần so với các nước láng giềng Bắc Âu khác vốn áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, song vẫn thấp hơn so với các nước châu Âu khác như Tây Ban Nha và Anh - những nước áp đặt các biện pháp phong tỏa chặt chẽ nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
* Dự kiến ngày 15/6 tới Hy Lạp sẽ mở cửa đón các du khách đến từ 29 nước trên thế giới trước khi nước này bước vào giai đoạn cao điểm trong mùa du lịch.
Cụ thể, những du khách đến từ các nước như Đức, Áo, Đan Mạch, Na Uy, Cyprus, Israel, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Malta, Bulgaria, Trung Quốc, Croatia, Australia, New Zealand, Bắc Macedonia, Albania, Estonia, Latvia, Liban, Litva, Hungary, Hàn Quốc, Serbia, Montenegro, Romania, Slovenia, Slovakia, CH Séc và Phần Lan sẽ được phép đến Hy Lạp du lịch.
Trong thông báo ngày 29/5, Bộ Du lịch Hy Lạp cho biết sẽ tiến hành xét nghiệm ngẫu nhiên các du khách và theo dõi chặt chẽ để đưa ra đánh giá về những diễn biến liên quan tới dịch bệnh. Danh sách trên sẽ được cập nhật trước ngày 1/7.
Quốc gia Địa Trung Hải này phụ thuộc chủ yếu vào ngành du lịch để khôi phục kinh tế. Tháng 3 vừa qua, Hy Lạp đã áp đặt phong tỏa trên toàn quốc nhằm kiềm chế số ca mắc COVID-19 ở mức dưới 3.000 ca, mức tương đối thấp so với nhiều nước khác trong Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, lệnh phong tỏa này đã tác động nghiêm trọng đến ngành du lịch và kinh doanh phải đóng cửa của nước này.
Năm ngoái, Hy Lạp đón khoảng 33 triệu lượt khách, mang lại doanh thu 19 tỷ euro (20,9 tỷ USD).