Nếu có dịp ghé thăm những quả đồi ở làng Sarrion thuộc tỉnh Teruel, phía Đông Tây Ban Nha, nhiều người sẽ ngỡ ngàng trước sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động nuôi trồng nấm truffle. Dưới những tán cây sồi, nấm truffle mọc chen chúc dưới rễ cây.
Có nhiều loại khác nhau, chẳng hạn như nấm cục đen, nấm cục trắng, nấm cục mùa hè và nấm cục tỏi... Mỗi loại có sự khác biệt nhỏ về hương vị, hình thức và giá cả. Nấm truffle dạng cục đen hay còn được biệt danh là "kim cương đen" có giá bán khoảng 1.500 euro/1 kg (khoảng 1.600 USD/1 kg).
Anh Jose Soriano (38 tuổi) là một trong những người dân bản địa gắn bó với công việc này từ nhiều năm qua và hiện sở hữu 30 ha diện tích nuôi nấm. Từ bỏ nghề kiểm lâm, anh Soriano dành toàn quỹ thời gian của mình để nuôi trồng nấm, đem lại nguồn thu nhập khấm khá hơn.
Theo ông Daniel Brito - Chủ tịch Hiệp hội những người trồng nấm truffle của tỉnh Teruel, đất đai ở tỉnh thường rất nghèo dinh dưỡng, song lại là loại thổ nhưỡng phù hợp nuôi trồng nấm truffle.
Trong năm 2022, Tây Ban Nha sản xuất được gần 120 tấn nấm loại này, "soán ngôi" Pháp để trở thành nước có sản lượng nấm truffle lớn nhất thế giới. Năng lực của Pháp và Italy trong lĩnh vực này lần lượt đạt 40 tấn và 30 tấn.
Với diện tích nuôi trồng là 8.000 ha, các vùng nuôi trồng nấm ở làng Sarrion cung cấp gần 80% sản lượng nấm cục đen của Tây Ban Nha. Làng này cũng trở thành "địa chỉ" hàng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu nấm truffle "kim cương đen". Hằng năm, chính quyền địa phương tổ chức hội chợ quảng bá nấm truffle ngay tại ngôi làng, nhằm thúc đẩy xuất khẩu loại nấm này.
Nấm truffle mọc gần rễ của một số cây nhất định. Đặc biệt, loại nấm này chỉ có thể sản sinh tự nhiên ở những vùng có thổ nhưỡng và khí hậu đặc biệt phù hợp. Ngoài giá trị dinh dưỡng cao, công dụng mà nấm truffle mang lại cho cơ thể là kháng khuẩn, chống ô-xy hóa, kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn và tiêu diệt tế bào ung thư.