Theo hãng thông tấn Đức DPA, những người nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng có thể sinh hoạt như người bình thường. Yêu cầu cách ly hoặc xét nghiệm không còn bị coi là quy định bắt buộc. Trừ một số trường hợp nguy cơ cao như người trên 60 tuổi, người bị suy giảm hệ miễn dịch, phụ nữ mang thai và nhân viên y tế vẫn phải tiếp tục tuân thủ các hướng dẫn trước đó.
Điều này có nghĩa là biện pháp phòng dịch duy nhất đang áp dụng trên hầu hết các khu vực ở nước này là đeo khẩu trang bắt buộc tại các địa điểm công cộng trong nhà cũng như trên xe buýt, tàu hỏa, máy bay.
Tại vùng tự trị Galicia, yêu cầu chứng minh tình trạng tiêm chủng hoặc trình giấy xét nghiệm, giấy khỏi bệnh vẫn được áp dụng khi người dân ra vào bệnh viện, viện dưỡng lão. Số lượng người ngồi một bàn tại các nhà hàng cũng bị giới hạn. Tuy nhiên, những quy định này dự kiến dỡ bỏ vào ngày 9/4.
Tình hình dịch bệnh ở Tây Ban Nha, nơi từng là một trong những điểm nóng COVID-19 khi đại dịch mới bùng phát, đã thuyên giảm đáng kể. Tỷ lệ mắc bệnh trong một tuần tính đến ngày 25/3 là 227/100.000 dân. Bệnh nhân COVID-19 cũng chỉ chiếm 3,6% tổng số giường bệnh cả nước.
Theo con số thống kê, gần 85% dân số được coi là đã tiêm phòng đầy đủ, trong đó 51% đã được tiêm mũi vaccine bổ sung. Tây Ban Nha cũng được đánh giá là hình mẫu lý tưởng trong việc triển khai tiêm chủng cho trẻ từ 5-11 tuổi. Tây Ban Nha có 3,26 triệu trẻ em trong độ tuổi từ 5-11, chiếm 7% tổng dân số của cả đất nước. Tính đến cuối tháng 2, quốc gia này đã tiêm mũi vaccine đầu tiên cho 56,3% nhóm tuổi này và đang triển khai tiêm mũi thứ 2.
Cuối tháng 1, Tây Ban Nha đi đầu trong việc kêu gọi các chính phủ bắt đầu coi COVID-19 như bất kỳ loại virus đường hô hấp đặc hữu khác, ví dụ như cúm mùa, bất chấp cảnh báo từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) rằng phương pháp này là quá sớm.
“Tây Ban Nha muốn dẫn đầu cuộc tranh luận này vì đã đến lúc phải làm việc đó”, Bộ trưởng Y tế Carolina Darias nói và cho biết thêm quốc gia này đã kêu gọi Trung tâm Ngăn ngừa Dịch bệnh châu Âu (ECDC) nghiên cứu chiến lược mới để ứng phó với COVID-19.
Mặc dù biến chủng Omicron gây ra một đợt lây nhiễm khó kiểm soát với số ca tăng vọt song tỷ lệ tử vong và nhập viện lại thấp hơn các chủng trước đó. Chính phủ nhiều nước đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế, giảm thời gian cách ly và nới lỏng quy định kiểm soát biên giới.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh đại dịch chưa thể kết thúc, đồng thời cảnh báo rằng các biến thể mới vẫn có khả năng xuất hiện. WHO cũng lưu ý về nguy cơ khi hạ thấp mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh COVID-19.
Fernando Garcia, một nhà dịch tễ học kiêm phát ngôn viên của hiệp hội y tế cộng đồng, cảnh báo việc coi COVID-19 như một căn bệnh đặc hữu ở giai đoạn này là "tạo ra hy vọng sai lầm".