"Chúng tôi nhìn thấy tiềm năng hợp tác với các nước châu Phi và có thể cung cấp kinh nghiệm và bí quyết công nghệ độc đáo của chúng tôi. Gazprom sẽ thảo luận về các đề xuất mang tính xây dựng và cùng có lợi nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế và cải thiện cuộc sống của người dân ở các nước châu Phi”, Dmitry Khandoga, người đứng đầu bộ phận hoạt động kinh tế đối ngoại của Gazprom, nêu rõ tại hội nghị.
Theo đại diện của Gazprom, việc sử dụng khí đốt tự nhiên nhiều hơn sẽ giúp châu Phi giải quyết nhiều vấn đề, từ kinh tế đến xã hội và môi trường, lưu ý rằng châu Phi nên khám phá đầy đủ những lợi thế của loại nhiên liệu này.
Về phần mình, Đại sứ Nga tại Nam Phi, Ilya Rogachev, cho biết: “Xét đến chính sách khử cacbon trong nền kinh tế, khí đốt có thể trở thành một phương tiện hiệu quả để đáp ứng nhu cầu năng lượng, do các nguồn năng lượng tái tạo không thể đảm bảo nguồn cung cấp liên tục. Về vấn đề này, tôi tin rằng kinh nghiệm của Gazprom trong việc thực hiện các dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt và khí tự nhiên hóa lỏng có thể được các đối tác ở châu Phi quan tâm”.
Đại diện của 9 quốc gia châu Phi - Algeria, Angola, Ghana, Ai Cập, Kenya, Mozambique, Nigeria, Tanzania và Nam Phi - đã tham dự cuộc họp.
Trong khi phương Tây xa lánh các nguồn năng lượng của Nga và đóng cửa hầu hết các không phận đối với máy bay và các chuyến bay thương mại của Nga kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra, các nước châu Phi vẫn duy trì quan hệ chặt chẽ với Moskva.
Những người tham dự hội nghị trên cho biết việc tăng sản lượng khí đốt tự nhiên ở châu Phi sẽ giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của khu vực. Các chuyên gia ước tính rằng châu Phi sẽ chiếm hơn 60% mức tăng dân số toàn cầu vào năm 2050. Cùng với quá trình đô thị hóa trong khu vực, dự kiến sẽ có tăng trưởng kinh tế đáng kể, đi kèm với mức tiêu thụ năng lượng tăng gấp đôi. Nhu cầu về khí đốt tự nhiên dự kiến sẽ tăng 150%.
Tuy nhiên, hầu hết khí đốt sản xuất ở châu Phi được xuất khẩu. “Ví dụ, 1/3 số dân của Nigeria, nước xuất khẩu LNG lớn nhất châu Phi, không được tiếp cận với năng lượng”, theo đại diện công ty khí đốt Nga.
Một điều trớ trêu là phần lớn khí đốt tự nhiên sản xuất ở châu Phi lại được chuyển đến châu Âu, nơi đang mua thêm khí đốt qua đường ống và nguồn cung cấp LNG từ châu Phi để thay thế nguồn cung bằng đường ống từ Gazprom của Nga.
Các công ty năng lượng lớn ở EU đang tìm cách ký các thỏa thuận bổ sung ở Địa Trung Hải và châu Phi để cung cấp khí đốt cho châu Âu, vốn muốn loại bỏ khí đốt của Nga vào năm 2027.
Giám đốc điều hành của tập đoàn Italy Eni, ông Claudio Descalzi, nói với tờ Financial Times vào đầu năm nay rằng châu Âu nên tìm đến châu Phi để phát triển "trục năng lượng Nam - Bắc” về vận chuyển khí đốt.