Kênh Al Jazeera cho biết dựa trên khảo sát của hãng thông tấn Reuters (Anh) với các nhà kinh tế học, Trung Quốc được dự đoán tăng trưởng 4,4% trong giai đoạn từ tháng 1-tháng 3, tăng so với mức 4% của quý cuối năm 2021. Tuy nhiên, con số thực tế vượt qua dự đoán này.
Nhưng quý 1 chỉ phản ánh được 1 khoảng thời gian nhỏ trong quá trình phong tỏa chặt chẽ tại Thượng Hải vì dịch COVID-19. Thành phố 26 triệu dân đã bắt đầu quá trình phong tỏa từ 28/3.
Nhà kinh tế học Carlos Casanova tại ngân hàng UBP chi nhánh tại Hong Kong (Trung Quốc) đánh giá: “Điều tồi tệ nhất chưa được tính đến. Hoạt động kinh tế trong tháng 1 đến tháng 2 đã mạnh hơn so với dự kiến. Nhu cầu từ bên ngoài tăng mạnh giúp hỗ trợ sản xuất. Tuy nhiên, có thể thấy tác động của biện pháp phong tỏa trong tháng 3 đối với doanh số bán lẻ. Dự kiến trong tháng 4 và tháng 5 hoạt động kinh tế sẽ giảm dẫn đến ảnh hưởng đến tăng trưởng của quý 2”.
Công ty nghiên cứu đầu tư Gavekal gần đây cho biết trong 100 thành phố lớn về kinh tế tại Trung Quốc, có đến 87 thành phố chịu hạn chế vì dịch COVID-19. Vào tháng 4, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã nhấn mạnh đến sự cấp bách về kinh tế, lần thứ 3 ông đưa ra cảnh báo này trong khoảng thời gian chỉ một tuần.
Ngày 15/4, Ngân hàng nhân dân Trung Quốc đã tuyên bố cắt tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tung khoảng 530 tỷ nhân dân tệ thanh khoản vào nền kinh tế. Các nhà phân tích dự đoán sẽ có thêm nhiều kích thích kinh tế trong thời gian tới.
Nhà kinh tế học Tommy Wu tại Oxford Economics ở Hong Kong (Trung Quốc) ngày 18/4 cho biết: “Chúng tôi dự đoán sẽ có nhiều chính sách kinh tế vĩ mô mạnh mẽ hơn trong quý 2 tại Trung Quốc để kích thích tăng trưởng nhưng tác động sẽ chỉ giới hạn trong độ linh động hạn chế”.
Bắc Kinh vào tháng 3 đã công bố mục tiêu tăng trưởng 5,5% cho năm nay. Nhiều nhà kinh tế học nghi ngờ khả năng Trung Quốc đạt được mục tiêu này bởi phong tỏa vẫn tiếp diễn và xung đột Nga-Ukraine sẽ tác động đến nhu cầu. Trong tháng 3, doanh số bán xe ô tô tại Trung Quốc đã giảm 12% so với cùng kỳ năm 2021.