Con tàu sau khi hạ thủy sẽ trở thành tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc và là tàu sân bay thứ hai do nước này tự chế tạo. Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) từng kỳ vọng sẽ làm lễ hạ thủy tàu sân bay Type 003 này vào ngày 23/4/2022, đúng dịp 73 năm ngày thành lập Hải quân Trung Quốc.
“Nhưng kế hoạch bị chậm lại, do đại dịch bùng phát ở Thượng Hải làm trì hoãn việc vận chuyển một số thiết bị thành phần quan trọng”, một nguồn thạo tin ẩn danh cho biết. Được biết, tàu sân bay Type 003 được khởi đóng từ năm 2017, tại nhà máy đóng tàu Giang Nam trên đảo Trường Hưng ở Thượng Hải và dự kiến sẽ sẵn sàng hạ thủy vào đầu năm nay.
Hình ảnh vệ tinh gần đây từ Google Earth cho thấy việc xây dựng con tàu dài gần 320 mét gần như đã hoàn thành. Theo các bức ảnh, các tấm che đã được phủ lên ba máy phóng của tàu, cho thấy chúng đã sẵn sàng, nhưng hai thang máy để nâng máy bay từ nhà chứa máy bay của tàu sân bay vẫn chưa được lắp đặt hoàn tất.
Khác với hai mẫu tàu trước là Liêu Ninh và Sơn Đông, Type 003 có sàn đáp phẳng được trang bị ba máy phóng điện từ tinh vi, tương tự các hệ thống phóng máy bay tiên tiến nhất trên thế giới. Liêu Ninh và Sơn Đông có các đường dốc phóng kiểu nhảy cầu, một công nghệ cũ hơn đối với thao tác cất hạ cánh của máy bay trên boong.
Thượng Hải, cảng container lớn nhất thế giới, đang phải vật lộn với tình trạng hàng hóa ùn ứ ở cảng. Thành phố hơn 25 triệu dân này tìm cách dập tắt đợt bùng phát COVID-19 nghiêm trọng kéo dài nhiều tuần qua, bằng biện pháp kết hợp giữa việc phong tỏa và xét nghiệm hàng loạt, một đối sách được gọi là “zero-Covid linh hoạt”.
“Quả thực, nhà máy đóng tàu Thượng Hải thiếu nhân lực vì hầu như tất cả doanh nghiệp nhà nước địa phương cần phải điều chuyển một lượng nhân lực nhất định để hỗ trợ chiến dịch chống đại dịch đang diễn ra”, nguồn tin tiết lộ.
Tập đoàn đóng tàu nhà nước Trung Quốc (CSSC) cho biết nhà máy tại Thượng Hải đã đóng góp vào cuộc chiến chống COVID-19 kể từ ngày 22/3, xây dựng ba bệnh viện dã chiến với hơn 4.400 giường trên đảo Trường Hưng chỉ trong vòng một tuần.
Nguồn tin cho biết đại dịch cũng sẽ đẩy lùi kế hoạch đóng hai tàu tiếp tế cho hải quân. Cụ thể, việc xây lắp, đóng mới hai tàu tiếp liệu hải quân sẽ chỉ bắt đầu khi xưởng đóng tàu sân bay trống. Nhưng hiện tại mọi thứ vẫn còn đang ngổn ngang.
CSSC là hãng đóng tàu thương mại lớn nhất thế giới và tuần trước, tập đoàn này đã thông báo rằng họ sẽ cung ứng gần khoảng 10 tàu chở dầu khổng lồ chuyên nạp khí tự nhiên hóa lỏng trong năm nay. Nhà máy đóng tàu Thượng Hải cũng đang đóng ít nhất hai siêu tàu container cho tập đoàn hàng hải Evergreen của Đài Loan/Trung Quốc.
Một nguồn tin khác thân cận với PLA cho biết hải quân Trung Quốc đang lên kế hoạch cho một buổi lễ hoành tráng về hạ thủy tàu sân bay thứ ba, với quy mô ít nhất phải ngang bằng lễ hạ thủy tàu Sơn Đông - tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc, hồi năm 2017. Người này cũng cho biết tàu sân bay mới có thể sẽ được đặt tên là Giang Tô, theo giao thức đặt tên tàu theo tên các tỉnh duyên hải đi dọc đầu từ bắc tới nam.
Tàu Liêu Ninh, Sơn Đông và Type 003 đều sử dụng động cơ thông thường. Tàu sân bay thứ tư được khởi đóng vào năm 2021 được cho là sử dụng động cơ hạt nhân. Trung Quốc có kế hoạch xây dựng ít nhất bốn cụm tàu sân bay tấn công vào năm 2030, để vươn tới vị thế cường quốc hải quân biển xa mạnh hàng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ.