Tăng trưởng kinh doanh của Eurozone đạt mức cao nhất trong 15 năm

Hoạt động kinh doanh của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) trong tháng 6/2021 đã tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong 15 năm khi các chính phủ tại đây nới lỏng nhiều biện pháp phòng dịch và nhu cầu bị dồn nén được giải phóng đã thúc đẩy sự bùng nổ trong ngành dịch vụ - vốn đóng góp rất nhiều vào hoạt động kinh tế của khối này.

Chú thích ảnh
Đồng tiền euro tại Dortmund, miền tây nước Đức, ngày 27/1/2020. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Theo báo cáo mới nhất của công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit, Chỉ số Nhà quản lý Mua hàng Tổng hợp nhanh (PMI) - một chỉ dấu về sức khỏe của nền kinh tế Eurozone – đã tăng từ 57,1 lên 59,2 trong tháng này. Đây mức cao nhất kể từ tháng 6/2006 và vượt kết quả thăm dò của hãng tin Reuters là 58,8.

Nhà kinh tế trưởng Chris Williamson của IHS Markit cho biết nền kinh tế khu vực Eurozone đang bùng nổ với tốc độ chưa từng thấy trong 15 năm qua, khi các doanh nghiệp đều báo cáo nhu cầu tăng vọt. Xu hướng ngày càng lan rộng từ lĩnh vực chế tạo sang lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là các công ty có hoạt động giao tiếp trực tiếp với người tiêu dùng.

Vào cùng giai đoạn, PMI sơ bộ của lĩnh vực dịch vụ Eurozone đã tăng từ mức 55,2 lên 58,0 - cao nhất kể từ tháng 1/2018 và vượt dự báo của Reuters là 57,8. Chỉ số về hoạt động kinh doanh mới cũng leo lên mức cao nhất trong 14 năm là 57,7 từ mức 56,6. Đây là chỉ dấu cho thấy đà tăng có thể còn tiếp tục.

Trong khi đó, việc mở rộng hoạt động của lĩnh vực chế tạo tương đương với tốc độ kỷ lục của tháng Năm với ước tính PMI sơ bộ của tháng Sáu khớp với kết quả cuối cùng của tháng trước đó là 63,1.

Nhưng sự gián đoạn nguồn cung và nhu cầu lớn đã khiến Eurozone trở thành thị trường do bên bán chi phối đối với các nguyên liệu thô mà các nhà máy cần. Chỉ số giá đầu vào sản xuất tăng từ 87,1 lên 88,0 - mức cao nhất kể từ khi cuộc khảo sát bắt đầu vào tháng 6/1997. Chỉ số đầu ra cũng được nâng từ 62,2 lên 62,4 trong cùng giai đoạn.

Chuyên gia Williamson nói rằng xu hướng phục hồi mạnh mẽ cả ở châu Âu và toàn cầu đồng nghĩa các công ty đang vật lộn để đáp ứng nhu cầu, trong khi thiếu hụt cả nguyên liệu và nhân viên. Giữa bối cảnh đó, sức mạnh định giá của các công ty sẽ tiếp tục gia tăng, từ đó chắc chắn gây thêm áp lực tăng đối với lạm phát trong những tháng tới.

Tuy nhiên, bất chấp những dấu hiệu của áp lực lạm phát, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến vẫn giữ nguyên chính sách tiền tệ nới lỏng trong năm nay để hỗ trợ nền kinh tế.

H.Thủy (TTXVN)
Kinh tế Eurozone, EU tiếp tục suy giảm
Kinh tế Eurozone, EU tiếp tục suy giảm

Trong quý I/2021, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã giảm 0,3%, trong khi GDP của Liên minh châu Âu (EU) giảm 0,1% so với quý trước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN