Theo báo cáo công bố ngày 8/6 của Cơ quan Thống kê E(Eurostat), so với cùng kỳ năm ngoái, kinh tế Eurozone giảm 1,3% còn kinh tế EU giảm 1,2%. Với mức giảm 0,6% tại Eurozone và 0,4% tại EU trong quý IV/2020, đây là quý thứ hai liên tiếp GDP của cả hai khu vực trên giảm, ngược với đà phục hồi mạnh mẽ trong quý III/2020.
Trong khi đó, trong quý đầu tiên của năm nay, kinh tế Mỹ tăng trưởng 1,6% so với quý trước và tăng 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 0,6% so với quý IV/2020 và 18,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đà phục hồi chậm chạp tại châu Âu được lý giải là do đợt dịch COVID-19 thứ 3 đã bùng phát ở châu lục này vào đầu năm nay, với sự xuất hiện của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và các đợt đóng cửa sau đó. Bert Colijn, nhà kinh tế cấp cao tại ING, nhận định Eurozone đã trải qua cuộc suy thoái kỹ thuật thứ hai trong thời kỳ đại dịch. Theo ông, tình trạng "sức khỏe" của kinh tế Eurozone đang kém hơn so với kinh tế Mỹ, khi rơi vào một cuộc suy thoái kỹ thuật khác, tiến triển của chương trình tiêm chủng cũng như mở cửa nền kinh tế chậm chạp, trong khi chương trình hỗ trợ tài chính cho năm 2021 yếu hơn.
Tuy nhiên, nhà kinh tế Colijn vẫn lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế của khu vực này trong thời gian còn lại của năm, với lưu ý khi các nền kinh tế mở cửa trở lại, nhu cầu sẽ tăng cao và thúc đẩy đà phục hồi mạnh mẽ. Bên cạnh đó, các nước châu Âu cũng đang dần dỡ bỏ chính sách hạn chế, với các chiến dịch tiêm chủng. Chứng chỉ COVID-19 trên toàn EU sẽ được bắt đầu sử dụng từ tháng 7 tới, qua đó tái khởi động ngành du lịch đang bị đình trệ.