Theo hãng tin Reuters, trong ngày 5/9, giá trị đồng euro đã giảm xuống dưới 0,99 USD lần đầu tiên kể từ cuối năm 2002 sau khi Nga ngừng cung cấp khí đốt tự nhiên thông qua đường ống chính tới châu Âu, khiến giá năng lượng tăng vọt và làm gia tăng lo ngại về sự suy giảm nguồn cung.
Đồng tiền suy yếu sẽ là tiền đề và trung tâm cho cuộc họp của ECB ngày 8/9 do việc đồng tiền này giảm giá trị có thể đẩy lạm phát vốn đã cao kỷ lục trở nên tồi tệ hơn thông qua hàng nhập khẩu đắt đỏ.
Một số nhà hoạch định chính sách giải thích do khí đốt được định giá bằng USD nên đồng euro suy yếu sẽ khuếch đại tác động của chi phí năng lượng tăng cao.
Thị trường tiền tệ chỉ ra khả năng ECB ra quyết định tăng lãi suất cơ bản lên 75 điểm cơ bản là 80%. Tuy nhiên, họ cũng không tỏ ra mấy lạc quan về động thái đó có thể đảo ngược xu hướng trượt giá của đồng euro.
Agnès Belaisch, chiến lược gia tại Viện Đầu tư Baring, nhận định: "Đợt tăng lãi suất lớn này sẽ không giúp ích gì cho việc giải cứu đồng euro. Một cuộc suy thoái đang ở phía trước và những lo ngại về địa chính trị là không thể kiểm soát”.
Trong ngày 5/9, Goldman Sachs dự báo đồng euro sẽ giảm xuống còn 0,97 USD và duy trì ở mức này trong sáu tháng tới. Capital Economics cũng đã điều chỉnh dự báo của mình xuống 0,90 USD cho năm tới - giảm 9% so với mức hiện tại.
Giá trị đồng euro tỷ lệ nghịch với giá khí đốt trong nhiều tháng qua. Điều này có nghĩa là nó có xu hướng giảm khi giá năng lượng tăng. Giá xăng đã tăng 255% vào năm 2022 và trong ngày 5/9 đã tăng 30%.
Theo tính toán của tập đoàn tài chính UniCredit, trong trường hợp giá dầu tăng thành 100 USD/thùng, giá khí đốt tự nhiên cũng sẽ là 100 euro/thùng – cao gấp 5 lần so với giá khí đốt trung bình trong 5 năm qua, kéo theo chi phí nhảy lên 600 tỷ euro, tương đương 6% GDP.
Các nhà kinh tế và phân tích tiền tệ cho rằng nỗi đau kinh tế sẽ còn nghiêm trọng hơn dự đoán chỉ vài tháng trước.