Một công ty nhà nước của Trung Quốc đang đảm nhận trách nhiệm thi công cây cầu Peljesac do Liên minh châu Âu (EU) góp vốn. Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết cầu Peljesac dự kiến hoàn thành trong năm 2022.
Croatia hy vọng cây cầu sẽ góp phần liên kết lãnh thổ quốc gia này, đồng thời đẩy mạnh dịch vụ du lịch. Về phần mình, Bắc Kinh coi cây cầu là biểu tượng về vai trò của các công ty Trung Quốc trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng chất lượng cao tại EU.
Cây cầu Peljesac còn là minh chứng cho chiến thuật “đôi bên cùng có lợi” mà Bắc Kinh quảng bá về hợp tác giữa Trung Quốc cùng các quốc gia Trung và Đông Âu (Trung Quốc-CEEC) được khởi động cách đây 7 năm.
Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Tsinghua, ông Shi Zhiqin đánh giá: “Croatia là một thành viên EU, do vậy công ty Trung Quốc thắng thầu hợp đồng xây dựng này đồng nghĩa với việc các quốc gia châu Âu ghi nhận năng lực xây dựng của doanh nghiệp Trung Quốc đạt được tiêu chuẩn và quy định EU”.
Trung Quốc-CEEC, còn được biết đến với cái tên sáng kiến “16+1” được hình thành vào năm 2012 khi Thủ tướng Trung Quốc khi đó, ông Ôn Gia Bảo, đến thăm thủ đô Warsaw của Ba Lan để thúc đẩy đầu tư và xây thêm đường, đường sắt nối giữa Trung Quốc với khu vực này.
Các thành viên của sáng kiến “16+1” gồm 11 nước EU là Estonia, Latvia, Lithuania, Ba Lan, CH Séc, Slovakia, Hungary, Romania, Bulgaria, Croatia và Slovenia cùng 5 thành viên từ Tây Balkan là Serbia, Bosnia và Herzegovina, Montenegro, Albania và Bắc Macedonia. Ở thời điểm đó, Trung Quốc cam kết bơm hàng tỷ USD cho vay tín dụng tại 16 quốc gia nói trên trong vòng 5 năm.
Giám đốc Viện Nghiên cứu châu Á tại Slovakia – ông Matej Simalcik nhận định: “Kỳ vọng ở thời điểm đó là các quốc gia CEE có khả năng giảm thâm hụt mậu dịch và tăng đầu tư nước ngoài trực tiếp từ Trung Quốc vào khu vực”.
Tuy nhiên, đến nay chưa có nhiều dấu hiệu về tiến trình này. Các nhà quan sát ngoại giao nhận định quy mô lợi ích kinh tế dường như ưu ái cho Trung Quốc, trong khi lãnh đạo các quốc gia từ Baltic tới Balkan lại giảm kiên nhẫn.
Ba Lan, một trong những đối tác chiến lược của Trung Quốc tại khu vực, là nơi ghi nhận thâm hụt mậu dịch với Bắc Kinh đã tăng từ 10,3 tỷ USD trong năm 2012 lên 28,4 tỷ USD năm 2018.
Trong tháng 6/2018, tờ 21st Century Business Herald dẫn lời Tổng lãnh sự Ba Lan tại thành phố Quảng Châu Joanna Skoczek cho biết dòng sản phẩm từ Trung Quốc đổ về quá lớn thường gây tắc nghẽn trong khi tàu hỏa quay trở về Trung Quốc hầu như trống không.
Chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Palacký Olomouc ở CH Séc nhận định không có nhiều dấu hiệu hứa hẹn về đầu tư của Trung Quốc. Ông Turcsanyi nói: “Có rất ít đầu tư từ Trung Quốc, đây có thể là vấn đề lớn nhất”.
Ông Simalcik còn nêu một vấn đề khác là 16 quốc gia châu Âu này không có nhiều điểm tương đồng. “Điều này khiến cho việc hợp tác của 16 quốc gia trở nên phức tạp và chỉ đem lại lợi ích cho Trung Quốc khi 16 quốc gia CEE cạnh tranh với nhau để thu hút sự chú ý của Bắc Kinh thay vì cùng phối hợp để đạt được mức đôi bên cùng có lợi với Trung Quốc", ông Simalcik cho hay.
Căng thẳng gia tăng giữa EU và Trung Quốc cũng phủ bóng lên hội nghị tại Croatia vào đầu tháng 4. Cuộc họp của lãnh đạo “16+1” diễn ra chỉ 3 tháng sau Hội nghị thượng đỉnh thường niên EU-Trung Quốc ở Bỉ và một tháng sau khi Hội đồng châu Âu lần đầu tiên xếp Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh kinh tế”.