Lệnh cấm đột ngột
“Tôi đã không bỏ cuộc và tiếp tục ôn thi. Sáng hôm đó, tôi vẫn đến trường”, cô gái trẻ giấu tên vì lý do an toàn chia sẻ hôm 21/12, một ngày sau khi chính quyền Taliban ra lệnh cấm nữ sinh học đại học. Song quyết tâm của cô gái trẻ là vô ích. Các tay súng Taliban đã có mặt tại cổng trường đại học ở thủ đô Kabul, xua đuổi mọi nữ sinh cố gắng vào bên trong.
“Đó là một cảnh tượng kinh khủng. Hầu hết nữ sinh, trong đó có tôi, đã khóc và yêu cầu được vào trường. Sẽ cảm thấy thế nào khi để mất toàn bộ quyền của mình mà không thể làm gì?”, cô gái 21 tuổi chia sẻ trong tuyệt vọng.
Trước đó, trong thư gửi toàn bộ trường đại học công và dân lập hôm 20/12, Bộ trưởng Giáo dục Đại học thuộc Chính quyền Taliban Neda Mohammad Nadeem đã ra sắc lệnh cấm vô thời hạn các nữ sinh Afghanistan học đại học. Ông tuyên bố: “Tất cả mọi người được nhận thông báo phải thực hiện lệnh đình chỉ giáo dục với nữ giới cho tới khi có thông báo mới".
Ông cho biết nữ sinh Afghanistan bị cấm học đại học vì họ đã phớt lờ những quy định của đạo Hồi - bao gồm yêu cầu về trang phục hoặc yêu cầu phải đi cùng với người thân là nam giới khi ra ngoài.
“Thật không may, 14 tháng đã trôi qua, các hướng dẫn của Bộ Giáo dục Đại học thuộc Tiểu vương quốc Hồi giáo về giáo dục phụ nữ đã không được thực hiện. Họ ăn mặc như thể đang đi dự đám cưới. Những cô gái đi từ nhà đến trường đại học cũng không tuân theo quy định về khăn trùm đầu”, ông Nadeem nói.
Bên cạnh đó, ông cũng khẳng định một số môn khoa học không phù hợp với phụ nữ. “Kỹ thuật, nông nghiệp và một số khóa học khác không phù hợp với phẩm giá và danh dự của nữ sinh cũng như văn hóa Afghanistan”, ông cho hay.
Quyết định cấm nữ sinh học đại học là hạn chế mới nhất đối với quyền của phụ nữ ở Afghanistan kể từ khi Taliban trở lại nắm quyền vào tháng 8 năm ngoái.
Từ phẫn nộ đến tuyệt vọng
Dù tuyên bố chính thức do Bộ Giáo dục đưa ra hôm 20/12 chỉ áp dụng với các trường đại học, nhưng một số giáo viên nữ và trẻ em gái tại các trường tiểu học ở thủ đô Kabul cho biết họ cũng không được phép đến trường vào sáng ngày 21/12.
Tờ Wall Street Journal của Mỹ dẫn nguồn tin trong cuộc họp cùng ngày của quan chức Taliban và các hiệu trưởng trường tư thục, giáo sĩ, đại diện cộng đồng ở Kabul, cho biết Taliban tuyên bố đã cấm trẻ em gái Afganishtan học tiểu học. Lực lượng này cũng cấm nhân viên nữ, trong đó có giáo viên, làm việc tại trường học, khép lại cánh cửa với một trong số ít nghề còn lại ở nước này mà phụ nữ có thể đảm nhận. Phụ nữ trưởng thành cũng không còn được phép đến nhà thờ Hồi giáo hay dự hội thảo tôn giáo.
Lệnh cấm giáo dục đại học với nữ giới Afghanistan được đưa ra chưa đầy 3 tháng sau khi hàng nghìn nữ sinh và phụ nữ nước này tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học khắp cả nước, trong đó nhiều người mong muốn được học ngành kỹ thuật và y học. Với những quy định này, lực lượng Taliban dường như đang hướng tới cấm tất cả phụ nữ Afghanistan tiếp cận giáo dục.
Trước đó, các trường đại học trên khắp Afghanistan đã phải thực hiện loạt quy tắc như phân chia lớp học giữa nam và nữ hay nữ giới chỉ được học lớp có giảng viên nữ hoặc những thầy giáo lớn tuổi.
Ngoài ra, hầu hết các nhân viên chính phủ là nữ đều đã bị cho thôi việc, phụ nữ cũng bị cấm rời khỏi nhà mà không có người thân nam giới đi cùng và phải trùm khăn kín mặt. Chính quyền Taliban còn ban hành các quy định hà khắc hơn khi cấm phụ nữ tới công viên, hội chợ, phòng gym cũng như nhà tắm công cộng.
“Tất cả những gì tôi nhìn thấy trước mắt là tương lai đen tối đang ngày càng đến gần”, một nữ sinh khoa lịch sử tại Đại học Giáo dục ở Kabul, chia sẻ với điều kiện giấu tên. Sinh viên 20 tuổi cho biết cô hy vọng Taliban sẽ xem xét lại lệnh cấm trước khi hầu hết sinh viên đại học công lập trở lại sau kỳ nghỉ đông vào năm tới, nhưng cô lo lắng động thái này là dấu hiệu cho thấy Taliban sẽ đối xử với phụ nữ giống như cách họ đã làm khi kiểm soát Afghanistan vào những năm 1990.
Khi Taliban nắm quyền kiểm soát Afghanistan vào năm ngoái sau khi Mỹ rút quân, nhiều người tin rằng lực lượng này sẽ bớt hà khắc hơn, nhưng các chính sách của Taliban về quyền của phụ nữ, tự do ngôn luận và các quyền con người khác ngày càng trở nên nghiêm ngặt hơn trong năm qua.
Theo một sinh viên của một trường đại học ở Kabul, các giáo sư cho phép phụ nữ tham gia kỳ thi cuối năm đã bị lực lượng an ninh Taliban vây bắt và đưa đến đồn cảnh sát địa phương. Những hạn chế về tiếp cận giáo dục dự kiến sẽ có tác động lan tỏa, hạn chế hơn nữa khả năng của phụ nữ Afghanistan tham gia vào lực lượng lao động và các khía cạnh khác của đời sống công cộng.
“Chúng tôi đã dự đoán được những ngày này. Và bây giờ Taliban đã chứng minh bằng hành động của họ rằng phụ nữ chẳng có ý nghĩa gì”, sinh viên khoa lịch sử nói.
Giấc mơ khép lại
Bất chấp tuyên bố đã thay đổi nhiều so với thời kỳ nắm quyền hơn 20 năm trước, nhưng những quy định nghiêm khắc trong những tháng gần đây khiến chính quyền Taliban bị chỉ trích và hoài nghi. Sinh viên tâm lý học 20 tuổi tại Đại học Kabul, từ phẫn nộ đã rơi vào tuyệt vọng: “Có vẻ như Taliban đang coi phụ nữ là tội ác. Chúng tôi đã làm gì sai?”.
Nữ sinh này cũng cảnh báo rằng lệnh cấm không chỉ gây tổn hại cho phụ nữ mà còn làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế của đất nước khi phụ nữ rời bỏ lực lượng lao động. Cô chia sẻ: “Nếu phụ nữ bị loại khỏi xã hội, Afghanistan sẽ sụp đổ”.
Lệnh cấm nữ sinh học đại học cũng vấp phải loạt chỉ trích từ giới lãnh đạo thế giới. Họ đều cho rằng sắc lệnh này sẽ hủy hoại tương lai của phụ nữ Afghanistan.
Phái đoàn Liên hợp quốc tại Afghanistan nhấn mạnh: “Ngăn cản một nửa dân số đóng góp có ích cho xã hội và nền kinh tế sẽ tàn phá toàn bộ đất nước. Giáo dục là quyền cơ bản của con người. Lệnh cấm không chỉ gạt bỏ quyền giáo dục của phụ nữ, mà còn phủ nhận toàn bộ tương lai Afghanistan”.
Sau khi thông tin về lệnh cấm trẻ em gái theo học tiểu học xuất hiện, ông Ghulam Sarwar Haidari, chủ một cửa hàng ở Kabul, cho biết con gái đang chuẩn bị vào lớp 5 của ông bị đưa về nhà khi cô bé đến trung tâm dạy thêm. Cô bé có nguyện vọng theo đuổi ngành y để về cống hiến cho quê nhà.
“Con bé nhốt mình trong phòng từ sáng nay và không ngừng khóc. Mọi hy vọng của nó đều tan thành mây khói. Chúng tôi đã quá mệt mỏi với thực trạng này, chỉ biết tự hỏi khi nào mới kết thúc?”.
Ông Fazil Rabi Askari, 47 tuổi, có ba người con gái, cho biết con gái lớn đã phải vật lộn với các vấn đề về sức khỏe tâm thần kể từ khi bị cấm học lớp 10 vào năm ngoái. Ông chia sẻ: “Hồi giáo thúc đẩy cả nam và nữ tìm tri thức. Taliban rõ ràng đi ngược các giá trị này. Lệnh cấm hủy hoại giấc mơ của một quốc gia và giấc mơ của con gái tôi”.