Lâu nay, thỏa thuận hòa bình giữa Taliban và chính quyền của Tổng thống Donald Trump được coi là một biểu hiện của sự chia rẽ giữa lực lượng phiến quân này và Al-Qaeda - mạng lưới khủng bố quốc tế đã thực hiện các vụ tấn công khủng bố đẫm máu ngày 11/9/2001 ở Mỹ. Tuy nhiên, một báo cáo mới của Liên hợp quốc (LHQ) công bố ngày 1/6 cho biết Taliban đã cam kết sẽ duy trì mối liên hệ chặt chẽ với mạng lưới thánh chiến này, bất chấp thỏa thuận hòa bình với Mỹ.
Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, báo cáo trên khẳng định thủ lĩnh cấp cao của Al-Qaeda vẫn đang có mặt ở Afghanistan, cũng như hàng trăm tay súng bí mật của Al-Qaeda đang ở tiểu lục địa Ấn Độ và các nhóm phiến quân khủng bố nước ngoài cùng chí hướng với Taliban.
LHQ ước tính khoảng 400 đến 600 tay súng Al-Qaeda đang ở Afghanistan. Taliban thường xuyên tham vấn Al-Qaeda trong các cuộc đàm phán với Mỹ và đưa ra các đảm bảo về việc Taliban duy trì mối quan hệ song phương.
Báo cáo do Nhóm Hỗ trợ phân tích và giám sát trừng phạt của LHQ thực hiện và đã được gửi đến Hội đồng Bảo an LHQ vào cuối tháng trước.
Phía Mỹ cho rằng thỏa thuận hòa bình với Taliban hồi đầu năm nay đã thể hiện sự tan vỡ giữa Taliban với tổ chức Al-Qaeda. Sau khi ký kết thỏa thuận, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng Taliban đã nhất trí cắt đứt mối quan hệ với Al-Qaeda và phối hợp với Mỹ để phá hủy, từ chối các nguồn lực khiến Al-Qaeda rời khỏi Afganistan. Ngoại trưởng Mỹ cũng khẳng định thỏa thuận hòa bình với Taliban có cơ chế hỗn hợp, sâu sát và được đàm phán nhiều tháng, cân nhắc kỹ lưỡng, qua đó Mỹ có thể giám sát và đảm bảo trách nhiệm của các bên tham gia thỏa thuận.
Theo thỏa thuận ký tại Doha (Qatar) ngày 29/2 vừa qua, Mỹ và lực lượng nước ngoài cam kết rút quân khỏi Afghanistan trước tháng 7/2021 để chấm dứt cuộc chiến dài nhất mà Mỹ từng tham gia, đổi lại Taliban đưa ra một số đảm bảo an ninh và tiến hành đàm phán với đại diện Chính phủ Afghanistan.
Nhân dịp lễ Eid al-Fitr (kết thúc tháng lễ Ramadan), Taliban đã tuyên bố ngừng bắn kéo dài 3 ngày, bắt đầu từ 23/5, sau khi tiến hành hàng loạt vụ tấn công nhằm vào các lực lượng của Afghanistan trong những tháng vừa qua. Để đáp lại cử chỉ thiện chí này, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani ngày 24/5 đã bắt đầu phóng thích 2.000 tù nhân Taliban. Đáp lại, 4 ngày sau đó, Taliban cũng đã thả 80 cảnh sát và binh sĩ Afghanistan bị lực lượng này giam giữ.
Đặc phái viên Mỹ về vấn đề hòa giải Afghanistan - ông Zalmay Khalilzad - nhận định những hoạt động trao đổi tù nhân gần đây và mức độ bạo lực tương đối thấp có thể dự báo tín hiệu khả quan về sự khởi đầu các cuộc đàm phán mới giữa Chính phủ Afghanistan và Taliban.
Phát biểu trước báo giới, ông Khalilzad cho biết: “Đã có rất nhiều tiến triển trong những ngày gần đây... Chúng tôi sẽ đối mặt với những thách thức và những khó khăn, nhưng chúng tôi lạc quan rằng cuối cùng chúng tôi đã có thể hướng đến sự khởi đầu cho các cuộc đàm phán trong nội bộ Afghanistan”.
Ông Abdullah Abdullah, người đứng đầu phái đoàn đàm phán hòa bình của Afghanistan, tuyên bố ông sẵn sàng các cuộc đàm phán với Taliban "vào bất kỳ thời điểm nào".