Tại sao bang California của Mỹ lại xảy ra quá nhiều động đất?

Ngày 5/7 (giờ Mỹ), bang California lại vừa xảy ra một trận động đất 7,1 độ. Ngay trước đó 1 ngày, một trận động đất mạnh 6,4 độ cũng xảy ra ở California, gây ra hàng trăm dư chấn. Tại sao bang này lại xảy ra nhiều động đất như vậy?

Chú thích ảnh
Một vết nứt trên đường ở California sau động đất ngày 4/7. Ảnh: The Sun

Theo tờ The Sun, California dễ bị động đất vì bang này nằm trên đường đứt gãy San Andreas. Đường đứt gãy San Andreas kéo dài 1.287km dọc bang California, chạy qua những khu vực đông dân cư.

Các đường đứt gãy là nơi hai mảng kiến tạo gặp nhau. Nó hình thành ranh giới kiến tạo giữa mảng địa tầng Thái Bình Dương và mảng địa tầng Bắc Mỹ - hai khối ngầm hình thành nền tảng của Thái Bình Dương và Bắc Mỹ.

Đường đứt gãy San Andreas chia thành ba phần, mỗi phần có đặc điểm và nguy cơ động đất khác nhau. Phần quan trọng nhất là phần phía Nam, kéo dài 56km tại Los Angeles.

Từ năm 1812 tới nay, có khoảng 70 trận động đất lớn ở California. Tuy nhiên, có vô số trận động đất nhẹ và hoạt động kiến tạo xảy ra tại bang này. 

Trận động đất mạnh nhất ở California xảy ra vào năm 1857 với cường độ 7,9. Trận động đất này đã làm làm đứt đường đứt gãy San Andreas từ Parkfield tới Wrightwood – khoảng 362km.

Trận động đất có sức hủy diệt nhất là trận động đất 7,8 độ xảy ra ở San Francisco năm 1907, khiến 3.000 người chết.

Sau khi bang California đầu tư vào hệ thống phát hiện sớm động đất, người dân ở đây nhận cảnh báo động đất trên điện thoại di động, đài và các thiết bị khác.

Hình ảnh đồ đạc rơi vỡ trong động đất được ghi lại qua camera giám sát ở nhiều nơi tại California (nguồn: Washington Post):

Hệ thống ShakeAlert, có thể tải được từ tháng 1/2019, do các nhóm nghiên cứu thuộc một số trường đại học phát triển, có thể giúp cứu mạng sống nhiều người khi có động đất.

Hệ thống sử dụng cảm biến đặt quanh các thành phố, thị trấn lớn để phát hiện các chấn động trước khi nó lan vào trung tâm thành phố, từ đó có thời gian gửi cảnh báo cho người dân trước động đất.

Trong những năm gần đây, các nhà khoa học cho rằng đường đứt gãy San Andreas (nằm trên Vành đai Lửa Thái Bình Dương) là một đường đứt gãy lớn. Họ cho rằng sẽ sớm xảy ra một trận động đất lớn có sức tàn phá lớn, đặc biệt là ở Nam California.

Theo tờ New York Times, ông Paul Caruso, một nhà địa vật lý thuộc Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ ở Golden, Colorado nhận định trước khi trận động đất 7,1 độ xảy ra ngày 5/7: “Chúng tôi vẫn tin rằng sẽ có 70% khả năng Nam California sẽ xảy ra động đất từ 7 độ trở lên trước năm 2030”.

Các nhà địa chấn học đã rất bối rối vì các đường đứt gãy lớn nhất California lại khá yên tĩnh trong những thập kỷ gần đây. Họ cảnh báo California vẫn chưa chuẩn bị cho một trận động đất lớn ở nhiều khu vực chủ chốt. Không mấy người mua bảo hiểm động đất và bang California có nhiều tòa nhà có thể chịu thiệt hại lớn vì cách xây dựng hiện nay.

Thùy Dương/Báo Tin tức
California rung chuyển vì động đất 7,2 độ
California rung chuyển vì động đất 7,2 độ

Ngày 5/7 (theo giờ địa phương), miền Nam bang California của Mỹ đã rung chuyển vì động đất mạnh 7,2 độ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN