Tái chế điện thoại cũ – ngành kinh doanh tiềm năng ở Trung Quốc

Tái chế điện thoại thông minh cũ không chỉ là hành động có ích cho môi trường. Giờ đây, nó đã trở thành một ngành kinh doanh tiềm năng sinh lợi cho các công ty rác thải điện tử ở Trung Quốc

Chú thích ảnh
Điện thoại thông minh được tháo rời thành các phần riêng biệt, bao gồm vỏ, màn hình, pin và bảng mạch, để tái chế. Ảnh: Handout

Theo Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc), giống như nhiều người trẻ Trung Quốc, Lin Chenru, 24 tuổi, thường nâng cấp điện thoại di động của mình vài năm một lần. Tuy nhiên, sau đó anh không quan tâm đến việc mình đã để những chiếc điện thoại cũ đó ở đâu.

“Tôi nghĩ chúng vẫn còn ở trong phòng, nhưng không biết vị trí chính xác. Tôi không vứt điện thoại cũ đi sau khi mua đồ mới. Nhưng thời gian trôi qua, tôi không còn để ý đến chúng”, Lin nói.

Lý do Lin và hầu hết người tiêu dùng muốn giữ những chiếc điện thoại cũ là vì vẫn còn nhiều dữ liệu quan trọng được lưu trữ trong đó.

“Tôi giữ chúng phòng trường hợp vẫn còn thứ gì đó hữu ích lưu lại bên trong,” anh Lin nói.

Lin không phải là người duy nhất giữ những chiếc điện thoại thông minh đã cũ ở một góc bị lãng quên. Nghiên cứu của Greenpeace East Asia, một tổ chức phi chính phủ chuyên về môi trường, ước tính tỉ lệ tái chế điện thoại thông minh của Trung Quốc là dưới 2%. Điều này có nghĩa là chỉ có 2 trong số 100 chiếc điện thoại cũ được tái chế đúng cách thay vì bị vứt xó.

Khi ngày càng có nhiều người tiêu dùng Trung Quốc sử dụng các thiết bị mới và tốt hơn mỗi năm, sẽ có một lượng lớn rác điện tử trong các thiết bị cũ có thể được thu gom để tái chế chuyên nghiệp, bao gồm các kim loại quý như đồng và vàng.

Trung Quốc từng được coi là “bãi rác thải điện tử” của thế giới. Thị trấn Guiyu ở tỉnh Quảng Đông nổi tiếng với hàng nghìn xưởng nhỏ chuyên phá dỡ máy tính và thiết bị điện tử cũ để thu gom vật liệu tái chế.

Tuy nhiên, những ngày này đã qua đi khi chính phủ cấm nhập khẩu rác thải rắn, tăng cường giám sát việc xử lý các thiết bị điện tử. Điều này thể hiện nỗ lực của Trung Quốc trong việc ngăn ngừa ô nhiễm nước ngầm có thể gây nguy hại cho sức khỏe con người.

Chú thích ảnh
Công việc tái chế rác thải điện tử ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người lao động cũng như môi trường. Ảnh: Reuters

Tại một nhà máy ở ngoại ô Thượng Hải do công ty rác thải điện tử TES có trụ sở tại Singapore điều hành, các công nhân lành nghề mặc đồng phục, đeo kính bảo hộ và khẩu trang để phân loại điện thoại thông minh đã qua sử dụng chỉ trong vài phút. Họ phân loại vỏ điện thoại, màn hình, pin và bảng mạch vào các thùng riêng để tái chế.

Giám đốc tiếp thị của TES tại Trung Quốc, ông Richard Wang, giải thích quá trình này bắt đầu bằng việc sử dụng phương pháp xử lý hóa học để hòa tan và tinh chế bất kỳ kim loại quý nào, chẳng hạn như vàng, có trên bảng mạch. Bước tiếp theo là nghiền các bảng mạch thành bột rồi tách đồng và nhựa.

Bên cạnh đó, các phương pháp vật lý như tĩnh điện cũng được sử dụng để chiết xuất bột có chứa kim loại như đồng. Trong khi đó, các phương pháp tương tự được sử dụng để chiết xuất bột có chứa các nguyên tố phi kim loại.

Ông Wang cho biết việc tái chế 100 triệu chiếc điện thoại, về lý thuyết, có thể tạo ra hơn 120 kg vàng, với độ tinh khiết trên 99,9% sau khi tinh chế.

Cơ sở tại Thượng Hải là 1 trong 4 cơ sở mà TES hoạt động tại Trung Quốc. Ba cơ sở còn lại ở Quảng Châu, Bắc Kinh và Tô Châu. Nhà máy ở Thượng Hải hiện đã hợp tác với “gã khổng lồ viễn thông” Huawei.

Liu Hua, chuyên gia chiến dịch rác thải và tài nguyên tại Greenpeace East Asia, cho biết các nhà sản xuất điện thoại thông minh như Huawei thường hợp tác với các công ty chuyên xử lý rác thải điện tử để tái chế điện thoại thông minh.

Năm 2019, Apple cho biết họ đã nhận được gần 1 triệu thiết bị thông qua chương trình khuyến khích người tiêu dùng Mỹ trả lại điện thoại cũ. Những chiếc điện thoại này sau đó sẽ được tái chế bởi một loại robot có tên Daisy. Robot có thể tháo rời 15 mẫu iPhone khác nhau với tốc độ 200 chiếc/giờ.

Theo Greenpeace East Asia, giá trị số kim loại bị bỏ lại dưới dạng rác thải điện tử ở Trung Quốc được dự báo sẽ đạt 23,8 tỉ USD vào năm 2030. Khoản tiền này có thể được thu hồi thông qua tái chế, rẻ hơn nhiều so với việc khai thác kim loại từ quặng.

Chú thích ảnh
Điện thoại thông minh được phá vỡ để tái chế. Ảnh: Handout

Tuy nhiên, một trong những thách thức đối với ngành tái chế là nâng cao nhận thức để thay đổi thái độ của mọi người về đồ điện tử đã cũ.

“Với những chiếc điện thoại di động đã qua sử dụng, có lẽ mọi người vẫn thích giữ chúng ở lại, ngay cả khi đó là iPhone 4", ông Wang nói.

Một yếu tố khác là kích thước. Điện thoại không chiếm nhiều không gian so với các thiết bị điện tử khác, như điều hòa và tivi, khi bạn nâng cấp lên một cái mới, bạn có thể không còn đủ chỗ để cất cái cũ.

“Điện thoại thông minh thì khác. Chúng rất nhỏ và sẽ không trở thành vấn đề nếu một gia đình muốn lưu trữ chúng trong thời gian dài”, chuyên gia Liu cho biết.

Một mối quan tâm lớn đối với các nhà sản xuất điện thoại thông minh là vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong quá trình tái chế. Ví dụ, điện thoại của Huawei được tháo rời trong một khu vực riêng biệt tại nhà máy TES. Các thành phần riêng lẻ sẽ được phá vỡ thành nhiều mảnh nhỏ trước khi trải qua quá trình chiết xuất vàng và đồng.

Ông Liu cho biết quy trình trên ngăn chặn việc dữ liệu người dùng bị tin tặc tấn công và sử dụng các con chíp trên những thiết bị khác khi chưa được cho phép.

“Ngay cả khi điện thoại thông minh bị xoá sạch, về lý thuyết, tin tặc vẫn có thể lấy lại một số dữ liệu, mặc dù đây sẽ là một xác suất nhỏ và chi phí cao”, ông nói.

Richard Liu, Giám đốc phát triển bền vững thuộc nhóm kinh doanh tiêu dùng của Huawei, cho biết công ty đang nỗ lực để giúp cho việc tái chế điện thoại thông minh trở nên dễ dàng hơn.

“Một số nhân viên tái chế nhận thấy rằng điện thoại cũ của chúng tôi rất khó tháo rời, pin sẽ bị vỡ và cháy trong quá trình này. Đó là vì pin đã được gắn vào bảng mạch chính. Sau đó, chúng tôi đã thay đổi thiết kế của mình và giờ đây pin có thể được tháo ra một cách dễ dàng để tái chế”, ông nói.

Hải Vân/Báo Tin tức
Công ty Nhật Bản đóng cửa nhà máy tái chế rác điện tử tại Thái Lan
Công ty Nhật Bản đóng cửa nhà máy tái chế rác điện tử tại Thái Lan

Lệnh cấm nhập khẩu rác thải điện tử của Thái Lan đã buộc công ty sản xuất máy photocopy Fuji Xerox Co. của Nhật Bản đóng cửa nhà máy tái chế rác điện tử tại nước này, giữa bối cảnh chính phủ các nước trên toàn cầu siết chặt quy định buôn bán rác thải.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN