Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Mỹ, Pháp nghi ngờ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad đã sử dụng loại vũ khí cấm này và yêu cầu điều tra vụ việc này mà không có bằng chứng xác thực.
Thứ trưởng Ngoại giao Syria, Faisal Mekdad. Ảnh: EPA/TTXVN |
Hãng thông tấn nhà nước SANA dẫn tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao Syria, Faisal Mekdad nêu rõ: "Chính phủ Syria kiên quyết bác bỏ việc sở hữu vũ khí hóa học. Chúng tôi coi việc sử dụng các loại vũ khí đó là vô đạo đức và không thể chấp nhận trong bất cứ hoàn cảnh nào".
Trước đó ngày 13/2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo nước này sẽ phát động các cuộc tấn công Syria nếu có bằng chứng cho thấy chính quyền Damacus sử dụng vũ khí hóa học.
Trong khi đó, Mỹ cho rằng kể từ đầu tháng 1/2018 đến nay, đã xảy ra ít nhất 6 vụ tấn công sử dụng vũ khí hóa học clo tại khu vực do phiến quân chiếm đóng, khiến hàng chục người bị thương.
Cho đến nay, Chính phủ Syria luôn bác bỏ mọi cáo buộc của Mỹ và phương Tây về việc sử dụng vũ khí hóa học trong các cuộc tấn công nhằm vào các lực lượng chống chính phủ.
Trong khi đó, Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) hiện đang điều tra "tất cả các cáo buộc có cơ sở" về nghi vấn sử dụng vũ khí hóa học tại Syria và chưa đưa ra kết luận cụ thể nào.
Trong một diễn biến khác, văn phòng các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (LHQ) ngày 14/2 cho biết chuyến hàng viện trợ đầu tiên kể từ tháng 11/2017 đã được đưa đến khu vực Đông Ghouta của Syria, nơi hiện đang do phe đối lập kiểm soát.
Đoàn xe do LHQ phối hợp với Hội Trăng lưỡi liềm đỏ Syria thực hiện. Đây là chuyến hàng viện trợ đầu tiên trong năm nay đi qua giới tuyến để đến Nashabieh ở Đông Ghouta và phân phát lương thực, thuốc men cùng các nhu yếu phẩm khác cho 7.200 người dân đang mắc kẹt ở đây.
Hội đồng Bảo an LHQ đang cân nhắc một dự thảo nghị quyết, do Thụy Điển và Kuwait đệ trình, yêu cầu các bên giao tranh thực thi một lệnh ngừng bắn 30 ngày tại Syria nhằm tạo điều kiện cho hoạt động cứu trợ nhân đạo khẩn cấp.
Dự thảo trên cũng đề nghị lập tức chấm dứt tình trạng vây hãm, trong đó có khu vực Đông Ghouta, sau khi Nga - đồng minh của Tổng thống Syria Bashar al-Assad - hồi tuần trước bác bỏ một lời kêu gọi tương tự của LHQ là "phi thực tế" vì nhiều khả năng các nhóm vũ trang nổi dậy sẽ không tuân thủ lệnh này.
Theo thống kê, cuộc xung đột kéo dài gần 7 năm qua ở Syria đã cướp đi hơn 340.000 sinh mạng, buộc 7 triệu người phải đi sơ tán ở trong nước và 5,3 triệu người phải đi lánh nạn sang nhiều nước khác. Trong khi đó, 10 triệu người khác đang phải sống trong tình cảnh hết sức khó khăn và nguy hiểm.