Một cơ sở khai thác dầu tại Qamishli, Syria. Ảnh tư liệu: AFP/ TTXVN
Phát biểu với hãng tin Anadolu bên lề Hội nghị Thượng đỉnh tài nguyên thiên nhiên tổ chức tại Istanbul ngày 3/5, Bộ trưởng al-Bashir kêu gọi các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, từ thăm dò đến khai thác khoáng sản và tham gia công cuộc tái thiết thời hậu chiến.
Theo ông al-Bashir, Syria sẵn sàng mở cửa cho các khoản đầu tư vào mọi phân khúc trong lĩnh vực năng lượng. Ông cho biết các cơ hội đối với doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ bao gồm thăm dò, khoan, lọc dầu, truyền tải trong ngành dầu khí, cùng với việc khôi phục hệ thống đường dây điện, nhà máy điện, nhà máy lọc dầu và các hoạt động khai khoáng.
Bộ trưởng Syria cũng bày tỏ sự trân trọng đối với sự hỗ trợ lâu dài của Thổ Nhĩ Kỳ dành cho Syria, đặc biệt nhấn mạnh các nỗ lực gần đây trong việc cung cấp điện cho miền Bắc Syria. Ông nói: “Chúng tôi sắp ký một thỏa thuận xây dựng đường dây truyền tải điện áp 400 kilovolt nối từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Syria. Song song đó, chúng tôi cũng đang phục hồi đường ống dẫn khí đốt tự nhiên nối tỉnh Kilis với thành phố Aleppo”.
Theo dự tính, khi đi vào hoạt động, tuyến ống này có thể cung cấp tới 6 triệu m³ khí/ngày cho các nhà máy điện Syria, giúp cải thiện đáng kể tình hình năng lượng trong nước.
Ông al-Bashir cũng cho biết Syria và Thổ Nhĩ Kỳ đang chuẩn bị thiết lập một tuyến truyền tải điện mới từ thành phố Reyhanli của Thổ Nhĩ Kỳ tới khu vực Harem ở Syria. Sau khi hoàn tất quy trình đấu thầu, tuyến đường dây này dự kiến sẽ cung cấp khoảng 80 megawatt điện cho khu vực phía Bắc Syria.
Bên cạnh các kế hoạch thu hút đầu tư vào ngành dầu khí, Bộ trưởng al-Bashir nhấn mạnh Syria đang chuẩn bị khởi động một loạt dự án mới trong ngành khai khoáng, tập trung vào khai thác phốt phát và lithium.
Nhắc lại đề xuất của Bộ trưởng Năng lượng và Tài nguyên Thiên nhiên Thổ Nhĩ Kỳ Alparslan Bayraktar về việc cùng hợp tác thăm dò khí đốt ngoài khơi trong các cuộc trao đổi gần đây, ông al-Bashir tiết lộ hai nước sẽ ký một thỏa thuận khung nhằm mở rộng hợp tác năng lượng.
Cơ sở hạ tầng năng lượng của Syria đã bị tàn phá nặng nề sau hơn một thập kỷ xung đột, gây thiệt hại trên diện rộng đối với các cơ sở dầu khí, nhà máy điện và hệ thống truyền tải. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), từng là một trong những nhà sản xuất dầu khí hàng đầu ở Đông Địa Trung Hải, sản lượng dầu của Syria đã sụt giảm nghiêm trọng – từ 383.000 thùng/ngày và 8,96 triệu mét khối khí/ngày xuống còn một phần nhỏ. Việc xuất khẩu gần như bị đình trệ khiến nguồn thu ngân sách quan trọng của chính phủ Syria gần như cạn kiệt.
Kể từ năm 2017, Thổ Nhĩ Kỳ đã cung cấp điện và nhiên liệu cho các khu vực miền Bắc Syria, trong bối cảnh Ankara duy trì hiện diện và ảnh hưởng trong khu vực lân cận thông qua nhiều thỏa thuận hợp tác song phương.