Syria: Giao tranh dữ dội tại Homs

Giao tranh tiếp tục diễn ra quyết liệt ở thành phố Homs miền Trung Syria trong ngày 11/3, một ngày sau khi lực lượng chống đối bất ngờ mở cuộc tấn công vào quận chiến lược Baba Amr của thành phố này.

Sau đợt đột kích của quân chống đối vào rạng sáng 10/3, quân đội Syria đã nhanh chóng phản ứng và thực hiện nhiều vụ không kích cũng như bắn pháo. Đồng thời, lực lượng tăng viện của quân đội cũng được điều đến Homs. Theo Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR-trụ sở tại Anh), thành phố này đã "hoàn toàn bị phong tỏa".


Một tòa nhà bị phá hủy trong cuộc giao tranh tại thành phố al-Arman (Syria) sau khi một nhóm vũ trang liên kết với lực lượng al-Qaeda bắn pháo vào hồi tháng 12 năm ngoái. Ảnh: AFP/TTXVN.


SOHR cho rằng quân đội Syria đang quyết tâm quét sạch quân chống đối khỏi Baba Amr vì khu vực này từng là một địa điểm tiêu biểu cho phong trào chống chính phủ. Theo báo thân chính phủ "Al-Watan", lực lượng quân đội đã đập tan được âm mưu xâm nhập vào Baba Amr và quân chống đối phải hứng chịu thương vong, tổn thất lớn về người cũng như khí tài.

Một năm trước, quân đội Syria giành lại quyền kiểm soát Baba Amr sau một tháng giao tranh khốc liệt làm hàng trăm người thiệt mạng và cơ sở hạ tầng bị tàn phá nặng nề.

Trong khi đó, tại thủ đô Damascus, quân chống đối pháo kích làm ít nhất 6 dân thường thiệt mạng và 24 người bị thương. SOHR cho rằng ít nhất 90 người đã thiệt mạng trong các vụ tấn công trên khắp Syria trong ngày 11/3.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ở Syria bước sang năm thứ ba mà không có dấu hiệu bạo lực sớm chấm dứt, trên lĩnh vực ngoại giao, Liên minh châu Âu (EU) tái khẳng định quan điểm rằng một giải pháp hòa bình là lối thoát duy nhất cho vấn đề và khối này sẵn sàng hỗ trợ "mọi cách có thể".

Ngày 11/3, các Ngoại trưởng EU cùng đặc phái viên quốc tế về Syria Lakhdar Brahimi đã thảo luận về cuộc khủng hoảng này bên lề cuộc họp Hội đồng đối ngoại EU. Sau những trao đổi, EU nhấn mạnh tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ những nỗ lực của đặc phái viên Brahimi trong việc tạo không gian cho đối thoại chính trị giữa phe chống đối và chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. EU sẵn sàng hỗ trợ và đồng thời cũng quyết định tăng trợ giúp cho người dân Syria. Hiện EU là nguồn hỗ trợ nhân đạo lớn nhất cho Syria với hơn 400 triệu euro, tương đương 520 triệu USD.

Đối với phe chống đối ở Syria, đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU Catherine Ashton nói rằng EU đang tìm kiếm cách thức có thể "hợp tác" để giúp khôi phục những tiện ích cơ bản như nguồn cung cấp thuốc men, nước sạch... Còn Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho rằng EU có thể cần cân nhắc dỡ bỏ cấm vận vũ khí đối với Syria để giúp phe chống đối.

Cuối tháng trước, EU đã sửa đổi cấm vận vũ khí đối với Syria để cho phép các nước thành viên trong khối này có thể cung cấp trang thiết bị "phi sát thương" và huấn luyện cho phe chống đối, nhưng chưa hoàn toàn dỡ bỏ cấm vận này.

Trong một diễn biến khác, ngày 11/3, nhánh al-Qaeda tại Iraq với tên gọi "Nhà nước Hồi giáo Iraq" đã nhận là thủ phạm thực hiện vụ tấn công đẫm máu vào một đoàn xe chở binh sĩ Syria ở miền tây Iraq ngày 4/3 vừa qua làm 48 binh sĩ Syria và 9 lính Iraq thiệt mạng. Đây là nhóm binh sĩ bị thương và được điều trị tại Iraq, đang trên đường qua tỉnh miền tây Anbar để trở lại Syria thì bị phục kích. Mỹ đã lên án vụ tấn công này là một "hành động khủng bố".


TTXVN/ Tin tức
Syria: Giao tranh ngày càng khốc liệt
Syria: Giao tranh ngày càng khốc liệt

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng đã kéo dài 21 tháng qua ở Syria vẫn không tìm được một giải pháp chính trị, giao tranh giữa quân chính phủ nước này với lực lượng chống đối tiếp diễn nghiêm trọng và cộng đồng quốc tế tiếp tục đưa ra những cảnh báo mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN