Trao đổi với hãng tin Reuters tại Bộ Quốc phòng ở Damascus, ông Murhaf Abu Qasra cho biết, lãnh đạo Lực lượng dân chủ Syria (SDF), lực lượng người Kurd đã kiểm soát và thành lập khu vực bán tự trị qua 14 năm nội chiến, đang trì hoãn trong việc giải quyết vấn đề này.
SDF hiện đang đàm phán với chính quyền chuyển tiếp ở Damascus, chính quyền được dẫn dắt bởi các lực lượng đối lập do nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) lãnh đạo.
Chỉ huy SDF, ông Mazloum Abdi, từng tuyên bố rằng một trong những yêu cầu cốt lõi của họ là một chính quyền phi tập trung.
Trong một cuộc phỏng vấn với kênh Asharq News của Saudi Arabia tuần trước, ông Abdi nói rằng SDF sẵn sàng hợp nhất với Bộ Quốc phòng Syria nhưng phải theo hình thức “một khối quân sự” và không bị giải thể.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Abu Qasra đã bác bỏ đề xuất này. Ông Abu Qasra nói: “Chúng tôi khẳng định rằng họ có thể gia nhập Bộ Quốc phòng theo hệ thống phân cấp của bộ và được phân bổ theo cách thức quân sự, điều này không có vấn đề gì. Nhưng việc họ duy trì một khối quân sự riêng biệt trong Bộ Quốc phòng là không phù hợp”.
Kể từ khi nhậm chức vào ngày 21/12, một trong những ưu tiên của ông Abu Qasra, người từng chỉ huy cánh vũ trang thuộc HTS, là thống nhất các lực lượng chống chính quyền cũ thành một cơ cấu chỉ huy chung. Tuy nhiên, việc hợp nhất SDF đang gặp nhiều thách thức.
Mỹ coi SDF là đồng minh quan trọng trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ lại xem đây là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.
Bộ trưởng Quốc phòng Syria cho biết ông đã gặp lãnh đạo SDF nhưng cáo buộc họ đang trì hoãn các cuộc đàm phán về việc hợp nhất. Ông nhấn mạnh rằng việc đưa SDF vào Bộ Quốc phòng giống như các phe nổi dậy khác là một quyền lợi của nhà nước Syria.
Ông Abu Qasra cho biết ông hy vọng hoàn thành quá trình hợp nhất, bao gồm cả việc bổ nhiệm một số nhân sự quân sự cấp cao, trước ngày 1/3, thời điểm chính quyền chuyển tiếp kết thúc nhiệm kỳ.
Trước các chỉ trích rằng hội đồng chuyển tiếp không nên thực hiện những bổ nhiệm hoặc thay đổi lớn về cơ cấu quân đội, ông Abu Qasra lý giải rằng tình hình an ninh đã buộc chính quyền mới phải ưu tiên vấn đề này. “Chúng tôi đang chạy đua với thời gian, mỗi ngày đều có ý nghĩa quan trọng”, ông nói.
Chính quyền chuyển tiếp cũng bị chỉ trích vì quyết định trao quân hàm cho một số tay súng nước ngoài, bao gồm cả người Ai Cập và Jordan, trong quân đội mới.
Trước làn sóng phản đối, ông Abu Qasra thừa nhận quyết định này đã gây ra nhiều tranh cãi nhưng cho biết hiện chưa có yêu cầu dẫn độ nào đối với các chiến binh nước ngoài này.