Theo người phát ngôn của Hội đồng thành phố Sydney, Hội đồng đang xem xét các phương pháp diệt cỏ và tìm hiểu các công nghệ diệt cỏ khác. Hội đồng thành phố đã cho phép sử dụng Roundup là "biện pháp cuối cùng khi các biện pháp không dùng thuốc như nhổ hoặc giẫy cỏ, không mang lại hiệu quả". Tuy nhiên, từ cuối năm ngoái, Hội đồng thành phố Sydney đã bắt đầu thử nghiệm các sản phẩm mới thay thế Roundup.
Hội đồng thành phố Sydney có động thái trên sau khi Hội đồng thành phố Blacktown đầu tuần này đã nhất trí tiến hành thử nghiệm đối với sản phẩm thay thế Roundup sau khi nhân viên vệ sinh môi trường nơi đây tiến hành cuộc đình công, yêu cầu chính quyền thành phố tiến hành thử nghiệm sản phẩm thay thế Roundup. Trước đó, 4 hội đồng thành phố khác quanh Sydney cũng đã ngừng sử dụng sản phẩm này do lo ngại gây ung thư.
Hồi tháng trước, một người làm vườn ở Australia đã đệ đơn kiện đầu tiên đối với Tập đoàn dược phẩm Bayer, với cáo buộc nhằm vào hãng Monsato khiến người này bị nhiễm chất glyphosate sau hàng thập kỷ sử dụng thuốc diệt cỏ Roundup.
Roundup là sản phẩm hàng đầu của Monsanto và chất glyphosate có trong sản phẩm được cho là chất diệt cỏ được sử dụng nhiều nhất trên thế giới. Công ty khẳng định có nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng sản phẩm của họ không gây nguy hiểm nếu sử dụng đúng cách. Tuy nhiên, hồi năm 2015, Cơ quan Nghiên cứu quốc tế về ung thư, thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xếp glyphosate vào danh sách "các chất có thể gây ung thư".
Hiện, công ty Bayer đang phải đối mặt với hơn 13.000 vụ kiện tại Mỹ liên quan tới thuốc diệt cỏ Roundup.