Phát biểu tại một cuộc họp báo ở thủ đô Khartoum sau vòng đàm phán mới nhất giữa 3 nước, Bộ trưởng Nguồn nước và Tưới tiêu Sudan Yasir Abbas nêu rõ: "Sudan không chấp nhận việc đơn phương đưa nước vào đập này khi chưa ký thỏa thuận".
Theo ông Yasir Abbas, các tranh cãi giữa 3 đoàn đàm phán liên quan tính pháp lý, đặc biệt là về cơ chế chia sẻ nguồn nước, theo đó, phía Sudan đã đề xuất chuyển các vấn đề bất đồng lên Thủ tướng 3 nước đàm phán để phá vỡ bế tắc hiện nay.
Hiện chưa có thời gian biểu nào được ấn định cho cuộc gặp Thủ tướng 3 nước, trong khi Ethiopia vẫn ấn định hạn chót tháng 7 tới đưa nước vào đập thủy điện Đại Phục Hưng.
Bộ trưởng Nguồn nước và Tưới tiêu Ai Cập Mohamed Abdel Aty cho rằng các cuộc đàm phán diễn ra gần đây không đạt được bất kỳ tiến bộ nào vì lập trường không nhượng bộ của Ethiopia về các vấn đề kỹ thuật và pháp lý. Vào cuối cuộc họp các bộ trường tưới tiêu, Ethiopia đã bác bỏ đề xuất chuyển vấn đề lên Thủ tướng 3 nước như một cơ hội cuối cùng để tìm giải pháp cho các tranh chấp.
Đập Đại Phục Hưng dự kiến là dự án thủy điện lớn nhất châu Phi, là nguồn gốc căng thẳng tại các nước lưu vực sông Nile kể từ khi Ethiopia khởi công xây dựng đập gần một thập kỷ trước đây. Ethiopia xem con đập này là cần thiết để điện khí hóa và phát triển đất nước, trong khi Sudan và Ai Cập lo ngại đập thủy điện này đe dọa nguồn cung cấp nước thiết yếu.
Từ ngày 9/6 vừa qua 3 nước đã tiến hành các cuộc họp trực tuyến định kỳ để thảo luận các vấn đề liên quan việc đưa nước vào đập và hoạt động của đập, với sự hiện diện của 3 quan sát viên đến từ Mỹ, Liên minh châu Âu và Nam Phi.
Tháng 3/2015, lãnh đạo Ai Cập, Sudan và Ethiopia đã ký Tuyên bố về các nguyên tắc cam kết đạt một thỏa thuận về đập Đại Phục Hưng thông qua hợp tác.