Sudan: Giao tranh tại Khartoum vẫn tiếp tục gia tăng, hơn 2 triệu người phải di dời

Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự Sudan (RSF) cho biết họ đã chiếm giữ trụ sở của một đơn vị cảnh sát vũ trang ở phía nam Khartoum.

Chú thích ảnh
Cột khói bốc lên từ một tòa nhà bị trúng đạn pháo trong cuộc đụng độ giữa quân đội Sudan và RSSF ở Khartoum. Ảnh: AFP

Hãng tin Al Jazeera ngày 25/6 dẫn lời các nhân chứng tại chỗ cho biết các cuộc đấu súng, pháo kích và không kích tiếp tục gia tăng ở thủ đô Khartoum của Sudan khi cuộc chiến giữa quân đội Sudan và RSF đã bước sang tuần thứ 11, khiến khoảng 2,5 triệu người dân đã phải di dời và gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng tại quốc gia châu Phi này.

RSF tuyên bố đã chiếm được trụ sở một đơn vị cảnh sát vũ trang trong ngày 25/6 khi họ tìm kiếm lợi thế trong cuộc chiến với quân đội trong cuộc giao tranh ác liệt ở thủ đô.

Trụ sở đơn vị Cảnh sát Dự bị Trung ương ở phía nam Khartoum đang nằm trong tay lực lượng RSF và địa điểm này cách một doanh trại khác của RSF khoảng 12 km, song hiện đang bị quân đội Sudan tấn công dữ dội bằng máy bay chiến đầu và pháo hạng nặng. Đơn vị cảnh sát này là kho dự trữ đạn dược và vũ khí quan trọng và các bên đều tìm cách kiểm soát.

Khartoum và El Geneina là nhưng thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc chiến nổ ra từ hồi tháng 4 giữa quân đội Sudan và RSF. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây tình trạng bạo lực gia tăng mạnh ở Nyala, thành phố lớn nhất ở khu vực phía tây Darfur khi các thỏa thuận ngừng bắn được thống nhất tại các cuộc đàm phán do Mỹ và Saudi Arabia làm trung gian tại Jeddah bị hoãn lại.

Người dân ở ba thành phố tạo nên thủ đô rộng lớn hơn - Khartoum, Bắc Khartoum và Omdurman – cho biết giao tranh ác liệt kéo dài suốt cuối tuần qua.

Quân đội Sudan do Tướng Abdel Fattah al-Burhan chỉ huy đã sử dụng các cuộc không kích và pháo hạng nặng để cố gắng đánh bật RSF, do Tướng Mohamed Hamdan Dagalo đứng đầu, khỏi các khu phố trên khắp thủ đô.

Tại Nyala, tình hình an ninh xấu đi rõ rệt trong vài ngày qua, với các cuộc đụng độ bạo lực trong các khu dân cư. Ngoài ra, các cuộc giao tranh giữa quân đội và RSF cũng đã nổ ra vào tuần trước xung quanh El Fashir, thủ phủ của Bắc Darfur, nơi Liên Hợp Quốc cho biết hiện các phái đoàn nhân đạo không thể tiếp cận được.

Trong khi đó, thành phố El Geneina gần như bị cắt đứt hoàn toàn khỏi mạng lưới liên lạc và nguồn cung cấp viện trợ trong những tuần gần đây khi các cuộc tấn công của các dân quân Arab và RSF đã khiến hàng chục ngàn người chạy trốn qua biên giới đến Chad.

Phát ngôn viên Nhân quyền Liên Hợp Quốc Ravina Shamdasani kêu gọi bảo đảm an toàn cho người dân ở El Geneina và tạo điều kiện cho các nhân viên cứu trợ sau khi nhận được báo cáo về một số vụ hành quyết ở thành phố này.

LHQ cho biết con số kỷ lục 25 triệu người - hơn một nửa dân số Sudan - đang cần viện trợ và bảo vệ. Viện trợ đã đến tay ít nhất 2,8 triệu người, nhưng các cơ quan nhân đạo báo cáo những trở ngại lớn đối với công việc của họ, từ thị thực cho các nhà nhân đạo nước ngoài đến việc đảm bảo hành lang an toàn.

Theo tổ chức tư vấn Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (ICG), quân đội Sudan không muốn viện trợ vào thủ đô, do lo sợ rằng các gói hàng sẽ rơi vào tay RSF như đã từng xảy ra trước đây, cho phép lực lượng bán quân sự cầm cự lâu hơn.

Hoài Nam/Báo Tin tức (Theo Al Jazeera)
Giao tranh tiếp diễn, viện trợ nhân đạo bị đình trệ ở Sudan
Giao tranh tiếp diễn, viện trợ nhân đạo bị đình trệ ở Sudan

Ngày 24/6, các nhân chứng cho biết pháo binh, các cuộc không kích và đấu súng đã làm rung chuyển thủ đô Khartoum của Sudan, trong khi Liên hợp quốc (LHQ) kêu gọi ngừng "những vụ giết người bừa bãi" tại thành phố Darfur.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN