Cuộc giao tranh nổ ra giữa quân đội Sudan (SAF) và Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) vào cuối tuần qua được cho là chưa từng có trong lịch sử Sudan thời hậu độc lập, sau khi căng thẳng gia tăng trong nhiều tháng giữa SAF và RSF. Đây là các lực lượng đã cùng nhau lật đổ chính phủ dân sự trong một cuộc đảo chính vào tháng 10/2021.
Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm do kế hoạch được quốc tế hậu thuẫn nhằm khởi động một quá trình chuyển đổi mới với các đảng dân sự. Một thỏa thuận cuối cùng dự kiến sẽ được ký kết vào đầu tháng 4, nhân dịp kỷ niệm 4 năm ngày lật đổ nhà lãnh đạo Omar al-Bashir trong một cuộc nổi dậy.
Cả SAF và RSF đều được yêu cầu nhượng lại quyền lực theo kế hoạch và có hai vấn đề đặc biệt gây tranh cãi: một là thời gian để hợp nhất RSF vào các lực lượng vũ trang chính quy, thứ hai là khi nào SAF sẽ chính thức được đặt dưới sự giám sát của chính quyền dân sự.
Khi giao tranh nổ ra vào ngày 15/4, cả hai bên đều đổ lỗi cho bên kia kích động bạo lực. SAF cáo buộc RSF huy động lực lượng bất hợp pháp trong những ngày trước đó và RSF, khi di chuyển đến các địa điểm chiến lược quan trọng ở Khartoum, cho biết SAF đã tìm cách giành toàn bộ quyền lực cùng những người trung thành với cựu Tổng thống Bashir.
Các nhân vật chính trong cuộc tranh giành quyền lực là Tướng Abdel Fattah al-Burhan, người đứng đầu SAF và là lãnh đạo hội đồng cầm quyền của Sudan kể từ năm 2019 với cấp phó là lãnh đạo RSF, Tướng Mohamed Hamdan Dagalo, thường được gọi là Hemedti.
Khi kế hoạch cho một quá trình chuyển đổi mới được thúc đẩy, ông Hemedti đã liên kết chặt chẽ hơn với các đảng dân sự trong một liên minh, Lực lượng vì Tự do và Thay đổi (FFC), vốn chia sẻ quyền lực với SAF liên quan đến cuộc lật đổ ông Bashir và cuộc đảo chính năm 2021.
Các nhà ngoại giao và nhà phân tích cho rằng đây là một phần trong chiến lược của ông Hemedti nhằm biến mình thành một chính khách. Cả FFC và ông Hemedti đều nhấn mạnh cần thiết phải loại bỏ những người trung thành với cựu Tổng thống Bashir vốn theo khuynh hướng Hồi giáo và các cựu chiến binh đã giành lại chỗ đứng sau cuộc đảo chính và có nguồn gốc sâu xa trong quân đội.
Cùng với một số phe nổi dậy ủng hộ SAF vốn được hưởng lợi từ thỏa thuận hòa bình năm 2020, những người trung thành với cựu Tổng thống Bashir đã phản đối thỏa thuận về quá trình chuyển đổi mới.
Lộ trình chuyển đổi đã làm dấy lên hy vọng rằng Sudan với dân số 46 triệu người của nước này có thể thoát khỏi xung đột nội bộ và cô lập kinh tế hàng thập kỷ dưới thời ông Bashir. Nhưng xung đột mới nổ ra không chỉ có thể phá hủy những hy vọng đó mà còn gây hỗn loạn cho một khu vực đầy bất ổn có biên giới giáp với Sahel, Biển Đỏ và Sừng châu Phi.
Nó cũng có thể trở thành cuộc cạnh tranh giành ảnh hưởng trong khu vực giữa Nga và Mỹ, và giữa các cường quốc khu vực ở Sudan. Các cường quốc phương Tây trong đó có Mỹ đã ủng hộ quá trình chuyển đổi với các cuộc bầu cử dân chủ sau khi Tổng thống Bashir bị lật đổ. Họ đình chỉ hỗ trợ tài chính sau cuộc đảo chính, sau đó ủng hộ kế hoạch cho một quá trình chuyển đổi mới và một chính phủ dân sự.
Các cường quốc giàu năng lượng Saudi Saudi và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cũng đã tìm cách can dự vào các sự kiện ở Sudan, coi việc chuyển đổi là một cách để đẩy lùi ảnh hưởng của lực lượng Hồi giáo và củng cố sự ổn định trong khu vực.
Trong khi đó, các quốc gia vùng Vịnh đã theo đuổi đầu tư vào các lĩnh vực như nông nghiệp, lĩnh vực mà Sudan có tiềm năng to lớn và các cảng trên bờ Biển Đỏ của Sudan.
Với Nga, nước này đang tìm cách xây dựng một căn cứ hải quân trên Biển Đỏ, trong khi một số công ty của UAE đã đăng ký đầu tư vào Sudan.
Cả Tướng Burhan và Hemedti đều phát triển mối quan hệ chặt chẽ với Saudi Arabia sau khi gửi quân tham gia vào chiến dịch do Saudi Arabia lãnh đạo ở Yemen. Ông Hemedti đã thiết lập quan hệ với các cường quốc nước ngoài khác bao gồm UAE và Nga.
Hiện các bên liên quan quốc tế đã kêu gọi ngừng bắn và quay trở lại đối thoại, nhưng có rất ít dấu hiệu thỏa hiệp từ các phe tham chiến. SAF đã coi RSF là lực lượng nổi dậy và yêu cầu giải thể lực lượng này, trong khi Tướng Hemedti gọi ông Burhan là "tội phạm" và cáo buộc "hủy hoại đất nước".
Trong bối cảnh quân đội Sudan có nguồn lực vượt trội với cả sức mạnh không quân, còn RSF đã mở rộng thành một lực lượng ước tính khoảng 100.000 người được triển khai khắp Khartoum và những thành phố lân cận cũng như ở các khu vực khác, Sudan có nguy cơ xảy ra một cuộc chiến mới.