FAA lý giải quyết định trên bằng cách viện dẫn các dữ liệu vệ tinh và bằng chứng từ hiện trường cho thấy có một số sự giống nhau và "khả năng xuất phát từ cùng một nguyên nhân" giữa vụ rơi máy bay Boeing 737 MAX của hãng hàng không Ethiopian Airlines hôm 10/3 vừa qua làm toàn bộ phi hành đoàn và 157 hành khách thiệt mạng, với vụ một chiếc Boeing 737 MAX của hãng Lion Air của Indonesia rơi cách đó 5 tháng cướp đi tính mạng của toàn bộ 189 người trên máy bay.
Sau một cuộc họp ngắn với giới chức hàng không Mỹ, Nghị sĩ Rick Larsen cho biết việc cập nhật phần mềm sẽ mất vài tuần và việc lắp đặt lên toàn bộ máy bay sẽ kéo dài "ít nhất đến hết tháng 4". Ông cho biết thêm rằng công tác tập huấn cũng được tiến hành.
Hãng Boeing ủng hộ quyết định của FAA, đồng thời cho biết sẽ tiến hành nâng cấp phần mềm đối với "toàn bộ máy bay 737 MAX trong vài tuần tới". Phát biểu với báo giới tại Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump bày tỏ hy vọng Boeing 737 MAX sẽ chỉ bị cấm hoạt động trong thời gian ngắn. Ông nói: "Họ sẽ sớm tìm ra nguyên nhân" vụ tai nạn.
Các thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh Pháp bắt đầu tiến hành điều tra nguyên nhân vụ rơi máy bay của Ethiopia. Cơ quan điều tra và phân tích an toàn hàng không dân dụng Pháp (BEA) cho biết các kết luận đầu tiên sẽ được đưa ra trong vài ngày tới.
Trong một diễn biến mới nhất, tờ The New York Times ngày 14/3 đưa tin hãng hàng không Ethiopian Airlines cho biết phi công trên chuyến bay mang số hiệu 302 đã yêu cầu được trở lại sân bay Addis Ababa chỉ 3 phút sau khi cất cánh vì đã khởi động với một tốc độ bất thường. Báo trên dẫn lời một nhân viên sân bay cho biết chỉ 1 phút sau khi máy bay cất cánh, Cơ trưởng Yared Getachew thông báo "kiểm soát bay" có vấn đề khi máy bay ở dưới ngưỡng cao an toàn tối thiểu so với mặt đất trong lúc đang bay lên. Theo nhân viên này, liên lạc giữa lực lượng kiểm soát không lưu với máy bay 302 đi Nairobi đã bị mất hoàn toàn 5 phút sau khi máy bay cất cánh.
Theo các chuyên gia về pháp lý, với vụ tai nạn máy bay mới nhất của máy bay chở khách Boeing 737 MAX 8, gia đình của 157 nạn nhân, cả những người không phải công dân Mỹ, có thể sẽ khiếu kiện lên tòa án Mỹ. Trong vụ việc ở Indonesia, hãng Boeing cũng đã đối mặt với một loạt vụ kiện của các gia đình 189 nạn nhân. Một số luật sư cho biết dù các nguyên đơn có thể nêu tên hãng Ethiopian Airlines là bị đơn trong các vụ kiện, nhưng trọng tâm là hệ thống cảnh báo an toàn của B737 MAX 8 khiến hãng Boeing có thể trở thành mục tiêu kiện tụng.
Cùng ngày, Bộ Địa chính và Giao thông Hàn Quốc ban hành điện văn thông báo hàng không (NOTAM) để thông báo các phi công và hãng hàng không về quyết định cấm loại máy bay Boeing nói trên sử dụng không phận Hàn Quốc trong ba tháng tới.
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, điện NOTAM nêu rõ "cấm mọi máy bay Boeing 737 MAX cất cánh, hạ cánh tại sân bay trong nước, hoặc bay qua không phận Hàn Quốc cho tới khi có thông tin tiếp theo từ cơ quan hàng không". Thông thường NOTAM có hiệu lực trong 3 tháng.
Trong khi đó, hãng hàng không Smartwings của CH Séc đã trở thành hãng tiếp theo yêu cầu Boeing bồi thường tài chính sau khi phải cấm các máy bay 737 MAX hoạt động vì lý do an toàn. Hãng này đã phải dừng hoạt động 7 chiếc MAX 8 của mình. Người phát ngôn của Smartwings cho biết: "Chúng tôi đang tìm mọi biện pháp pháp lý. Việc đền bù sẽ được thỏa thuận với Boeing". Hiện Smartwings đang có đơn đặt hàng 32 chiếc 737 MAX từ Boeing, trong đó 16 chiếc sẽ được chuyển giao trong mùa Hè tới. Tuy nhiên, quan chức trên cho biết: "Chuyển giao một chiếc máy bay không được phép bay giờ chẳng còn nghĩa lý gì".
Trước Smartwings, hãng hàng không giá rẻ Air Shuttles của Na Uy cũng đã cấm 18 chiếc Boeing 737 MAX 8 của mình, và cho biết sẽ yêu cầu hãng Boeing bồi thường tài chính.
Trong khi chờ kết luận điều tra, cổ phiếu của hãng Boeing đã sụt giảm 11% kể từ sau vụ rơi máy bay tại Ethiopia, làm hãng mất hơn 26 tỷ USD trên thị trường vốn hóa.