Ngày 30/4, hãng xếp hạng tín dụng Standard & Poor's (S&P) đã hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của các ngân hàng hàng đầu Tây Ban Nha, trong đó có Santander và BBVA. Động thái này diễn ra chỉ ba ngày sau khi S&P hạ bậc xếp hạng tín dụng của nước này với lý do tình hình ngân sách của Tây Ban Nha đang xấu đi và Mađrít có thể sẽ phải hỗ trợ khu vực ngân hàng.
Những ngân hàng bị ảnh hưởng từ thông báo mới của S&P gồm ngân hàng Santander và các chi nhánh của nó như Banesto, BBVA, Banco Sabadell, Ibercaja, Kutxabank, Banca Civica, Bankinter và chi nhánh địa phương Barclays. Theo thông báo của S&P, hãng xếp hạng tín dụng uy tín này sẽ “sớm có kết luận đánh giá về các tác động rộng rãi của việc hạ bậc xếp hạng quốc gia đối với các rủi ro trong nền kinh tế và công nghiệp của khu cực ngân hàng Tây Ban Nha và cuối tháng 5/2012”.
Một chi nhánh ngân hàng Santander. |
Hôm 27/4, S&P đã công bố tín nhiệm nợ dài hạn của Tây Ban Nha đã giảm từ mức A xuống BBB+, tín nhiệm nợ ngắn hạn cũng giảm. S&P đồng thời đánh giá tương lai nền kinh tế của "Xứ sở đấu Bò tót" ở mức tiêu cực. S&P cho rằng tình hình ngân sách của Tây Ban Nha xấu đi do tăng trưởng kinh tế giảm, khoảng 1,5% trong năm 2012 và 0,5% trong năm 2013. Trước đó, S&P dự báo kinh tế Tây Ban Nha tăng trưởng 0,3% trong năm nay và 1% trong năm sau. Theo tổ chức này, tình hình ngân sách xấu đi kết hợp với nguy cơ hỗ trợ khu vực ngân hàng sẽ chồng chất thêm gánh nặng nợ công vốn đã quá tải của Tây Ban Nha. Điều này đồng nghĩa S&P có thể tiếp tục hạ bậc xếp hạng tín dụng của Tây Ban Nha trong tương lai.
Theo các nhà phân tích, xếp hạng tín dụng hiện nay của Tây Ban Nha vẫn ở cấp "đầu tư", song chỉ còn 3 điểm nữa là xuống cấp "đồ bỏ đi". Nếu S&P hạ xếp hạng tín dụng của Tây Ban Nha thêm một lần nữa thì động thái này có thể đẩy chi phí vay mượn (lãi suất) của Tây Ban Nha lên cao, do các nhà đầu tư muốn tăng lãi suất vay mượn để bù đắp những nguy cơ lớn hơn phát sinh từ việc hạ xếp hạng tín dụng.
Trên bình diện toàn khu vực đồng euro, S&P cho rằng các chính sách hiện hành không có tác dụng củng cố lòng tin thị trường, ổn định các nguồn vốn. Vì vậy, Khu vực đồng euro cần tìm cách đầu tư trực tiếp cho các ngân hàng, tránh để các chính phủ trong khu vực phải tự mình gánh vác các khoản nợ. S&P đổ lỗi những khó khăn ở Tây Ban Nha một phần do EU thiếu chiến lược toàn diện hiệu quả để giải quyết vấn đề nợ công trong khu vực.
Trần Long